Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự

Tóm tắt câu hỏi:

Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự.

Thời gian vừa qua trong lúc không kiềm chế được bản thân em trai tôi có xảy ra ẩu đả với một người láng giềng, hậu quả khiến người ấy tổn hại 17% thương tật. Em trai tôi được tòa phán quyết 9 tháng tù giam và phải bồi thường 20 triệu tiền tổn hại sức khỏe ấy nhưng hiện tại gia đình tôi rất khó khăn, em trai tội lại đang ở với bố mẹ. Vậy luật sư cho tôi hỏi giờ em trai tôi đi tù thì ai là người phải chi trả số tiền ấy hay sau khi em tôi mãn hạn tù trở về đi làm thì mới phải trả ? Tôi muốn hỏi thêm nếu không có khả năng chi trả số tiền ấy thì em tôi sẽ như thế nào ? Nhờ quý luật sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn!

Người gửi: Phan Ngọc Anh (Lạng Sơn).

Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1, Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2005;

– Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.

2, Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự.

Theo Khoản 1 Điều 606 BLDS 2005 thì: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Chính vì vậy, mặc dù em trai bạn đang ở chung với bố mẹ nhưng đã là người thành niên thì em bạn chính là người phải bồi thường thiệt hại.

Nếu như em bạn là người phải thi hành án mà không có tài sản thì cơ quan thi hành án có nghĩa vụ như sau:

  Theo Điều 44 – Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 về xác minh điều kiện thi hành án:

2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

3. Cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án”.

Nếu như trong thời gian tự nguyện thi hành án mà em bạn không thực hiện được nghĩa vụ của mình thì cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế thi hành án. Về việc cưỡng chế thi hành án được quy định như sau đối với phần tài sản là tiền:

 Điều 76  Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014  về khấu trừ tiền trong tài khoản:

1. Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế.

2. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ”.

Điều 78 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 về trừ vào thu nhập của người phải thi hành án:

1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 79 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 về thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án: 

1. Trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án.

Khi thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình.

2. Chấp hành viên cấp biên lai thu tiền cho người phải thi hành án”.

Điều 81 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 về thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ:

Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng” .

Căn cứ vào các quy định trên, vậy nên nếu như em trai bạn còn khả năng lao động hoặc còn bất cứ những khoản chi phí nào khác thì cơ quan thi hành án sẽ khấu trừ tài sản và thực hiện việc thi hành án đối với em bạn.

Nếu hiện tại em bạn không có tài sản gì để thi hành thì phần dân sự sẽ tạm ngừng. Nếu hết thời hạn thi hành án theo quy định mà em bạn vẫn không có tài sản thì sau đó không phải thi hành nữa.

Tuy nhiên, cần lưu ý là mặc dù khi hết thời hạn em trai bạn không phải thi hành hoặc chưa hết thời hạn nhưng không có tài sản bồi thường thì ra tù em trai bạn vẫn sẽ không được xóa án tích. Em bạn chỉ được Tòa án xóa án tích khi đã chấp hành toàn bộ các quyết định trong bản án (gồm cả phần bồi thường cho bị hại).

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

 

 

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Bồi thường thiệt hại khi có bản án Hình sự
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề