Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đánh người khác gãy răng?

Nội dung câu hỏi

Chào Luật Sư, hiện em đang gặp một vấn đề Luật sư có thể tư vấn giúp em được không ạ?

Em có đánh 1 người gãy 1 cái răng cửa số 2 trên còn đâu không bị sao cả, họ bắt em đền 19 triệu thế theo luật sư vậy có đúng không ạ? Em cảm ơn!

Bài viết liên quan

khoi to theo yeu cau bi hai

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật Việt Phong. Với vấn đề của bạn, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH Quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đánh người khác gãy răng?

Trước hết, tỉ lệ thương tật được xác định căn cứ vào kết luận giám định tỉ lệ thương tật ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định tỉ lệ thương tật dựa trên kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhằm phản ánh chính xác các tổn thất về sức khỏe của người bị hại.

Bạn có thể tham khảo bảng tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BHYT_BLĐTBXH để xác định tổn thương của người bị bạn đánh gãy răng:

BẢNG 1

BẢNG TỶ LỆ TỔN THƯƠNG CƠ THỂ DO THƯƠNG TÍCH
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

 11. Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương Răng – Hàm – Mặt

2. Răng (tính cho răng vĩnh viễn) Tỷ lệ (%)
2.1. Mất một răng
2.1.1. Mất răng cửa, răng nanh (số 1,2,3) 1,5
2.1.2. Mất răng hàm nhỏ (số 4,5) 1,25
2.1.3. Mất răng hàm lớn số 7 1,5
2.1.4. Mất răng hàm lớn số 6 2,0
2.2. Mất từ 2 đến 8 răng ở cả hai hàm thì tính tỷ lệ theo Mục 2.1

Ghi chú: Nếu không lắp được răng giả tỷ lệ nhân đôi.

Nếu đã lắp răng giả tỷ lệ tính bằng 50% mất răng

2.3. Mất từ 8 đến 19 răng ở cả hai hàm 15 – 18
2.4. Mất toàn bộ một hàm hoặc mất từ 20 răng trở lên ở cả hai hàm 21 – 25
2.5. Mất toàn bộ răng hai hàm 31
Căn cứ theo bảng trên, đối với người bị gãy mất răng cửa số 2 hàm trên thì tỷ lệ thương tật sẽ là 1,5%.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

“b) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tn thất đó.”

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, bạn đã đánh một người khiến người đó bị gãy 1 cái răng cửa số 2 hàm trên. Căn cứ theo quy định trên, chúng tôi xác định bạn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người bị bạn xâm phạm về sức khỏe.

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người kia các khoản chi phí sau:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
  • Chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
  • Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
  • Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại (nếu có)
  • Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu

Bạn cần căn cứ trên những khoản thiệt hại thực tế xảy ra và các chứng cứ chúng minh về khoản thiệt hại này để có cơ sở xác định mức bồi thường mà bạn phải chi trả cho người bị thiệt hại. Vì mức bồi thường thiệt hại do các bên có liên quan tự thỏa thuận, do đó, nếu mức bồi thường quá lớn so với khả năng kinh tế của bạn thì bạn có thể thỏa thuận giảm mức bồi thường thiệt hại.

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề