Tóm tắt tình huống:
Chào luật sư ạ! Mong luật sư tư vấn giúp em tình huống này ạ!
H là cán bộ hải quan làm việc tại cửa khẩu tỉnh Q. Một lần H kiểm tra hàng nhập khẩu tại Việt Nam thì phát hiện số lượng hàng hóa bị vượt quá rất nhiều so với số lượng theo hóa đơn (số lượng hàng hóa vượt quá giá khoảng 150 triệu đồng, có thể bị xử lý theo khoản 1 điều 153 BLHS). Chủ hàng là Y đã gọi H ra một chỗ trao đổi riêng Y đưa cho H một chiếc phong bì trong đó có chứa 10 triệu đồng và đề nghị H bỏ qua cho số hàng vượt quá so với hóa đơn. H nhận tiền và đồng ý cho Y mang hàng đi.
Nếu trong hàng hóa của Y buôn lậu có 1 kg thuốc phiện, Y bị truy tố về 2 tội buôn lậu và mua bán trái phép chất ma túy thì H có bị coi là đồng phạm với Y về hai tội đó hay không?
Giả thiết Y không đưa tiền mà gọi H ra chỗ vắng và dọa sẽ tố cáo hành vi đánh bạc của H trước đây, H vì sợ bị xử lý kỉ luật nên đã phải bỏ qua cho hành vi buôn lậu của Y thì H có phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu không? Dựa trên căn cứ nào ạ?
Người gửi: Nguyễn Hòa Bình
Luật sư tư vấn
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009.
2. Cán bộ hải quan nhận tiền hối lộ có bị coi là đồng phạm không?
Thứ nhất, nếu trong hàng hóa của Y buôn lậu có 1 kg thuốc phiện, Y bị truy tố về 2 tội buôn lậu và mua bán trái phép chất ma túy thì H có bị coi là đồng phạm với Y về hai tội đó hay không?
– Hành vi của H nhận một chiếc phong bì trong đó có chứa 10 triệu đồng và bỏ qua cho số hàng vượt quá so với hóa đơn đã cấu thành Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự 1999.
“Điều 279. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
– Xét cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ:
• Về chủ thể: Chủ thể đặc biệt (người có chức vụ, quyền hạn);
• Về khách thể: quan hệ xã hội chủ nghĩa đảm bảo sự hoạt động đúng đắn và uy tín của nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
• Về mặt khách quan:
– Hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác để thực hiện một yêu cầu của người khác;
– Có đối tượng phạm tội là tiền: trị giá 10 triệu đồng
– Tội phạm được hoàn thành khi :
+ Thời điểm H chấp nhận số tiền mà Y hối lộ cho mình đồng thời bỏ qua cho Y mang hàng qua khu vực hải quan mình quản lý;
• Về mặt chủ quan : Lỗi cố ý trực tiếp.
Như vậy, H có thể bị truy tố về tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự (do của hối lộ có giá trị 10 triệu đồng ).
Thứ hai, nếu Y bị truy tố về Tội buôn lậu và mua bán trái phép chất ma túy thì H có phải đồng phạm hay không?
Điều 20 Bộ luật Hình sự quy định về Đồng phạm như sau:
“Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
Đồng phạm là gồm nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chặt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.
Trường hợp này H đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Việc không kiểm tra hàng hóa đã giúp sức cho Y thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng đây không phải là hành vi cố ý. H chỉ có nhận tiền nhằm mục đích bỏ qua việc số hàng vượt quá mà thôi. Do vậy nếu Y bị truy tố về tội buôn lậu, mua bán chất ma túy, H không trở thành đồng phạm.
Thứ ba, Giả thiết Y không đưa tiền mà gọi H ra chỗ vắng và dọa sẽ tố cáo hành vi đánh bạc của H trước đây, H vì sợ bị xử lý kỉ luật nên đã phải bỏ qua cho hành vi buôn lậu của Y thì H có phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu không? Dựa trên căn cứ nào?
Trong trường hợp này, H có thể bị kết án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 Bộ luật Hình sự:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Ở đây, H là cán bộ hải quan làm việc ở cửa khẩu tỉnh Q (tức là người có chức vụ, quyền hạn) đã vì sợ Y tố cáo hành vi đánh bạc của mình nên đã cố ý không thực hiện công vụ của mình dù đó là việc phải làm và có điều kiện để thực hiện. Như vậy, H có thể bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 Bộ luật Hình sự trong trường hợp có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên H có thể được giảm nhẹ trong trường hợp phạm tội vì người khác đe dọa theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Trên đây là tư vấn của công ty
Luật Việt Phong về Cán bộ hải quan nhận tiền hối lộ có bị coi là đồng phạm không? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty
Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Hương Diền