Chế biến cafe gây ô nhiễm sẽ bị xử lý như thế nào?

Dear P. Luật sư Việt Phong
Cho em hỏi 1 trường hợp xảy ra tại khu dân cư em nhưng em không biết cách nào để xử lý, mong P. Luật sư Việt Phong tư vấn và cho giải pháp tốt để người dân yên tâm, cụ thể:
Khu dân cư em có 1 cơ sỡ sản xuất café, khói café bay lên trời, mùi café làm cho dân khó chịu, huyết áp cao, dân nhiều lần phản ánh nhưng chưa được ai giải quyết, có báo tổ trưởng, phường xuống làm việc nhưng qua loa rồi đâu vào đấy, người dân lại tiếp tục hứng chịu.
Em rất mong Luật sư Việt phong cho em tư vấn để em bảo vệ sức khỏa cho người dân ở xung quanh em , để mọi người yên tâm, khỏe mạnh.
Em xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thanh

Căn cứ pháp lý

– Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

lam dong lo say ca phe gay o nhiem moi truong 750x674 2

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm ăn uống.

Trước hết, dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo pháp luật về kinh doanh đầu tư, việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng café, theo quy đinh tại khoản 20 điều 2 Luật an toàn thực phẩm giải thích:

Điều 2. Giải thích từ ngữ
20. Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm….

Theo đó, café được coi là thực phẩm phục vụ cho ăn uống đáp ứng cho yêu cầu sinh hoạt cuộc sống của con người. Như vậy, trong trường hợp một cơ sở kinh doanh thực phẩm là café thì cần phải đáp ứng các điều kiện căn cứ theo khoản 2 điều 7 Luật an toàn thực phẩm quy định:

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất;…

Bổ sung cho điều 7, tại điều 19 Luật an toàn thực phẩm quy định:

Điều 19. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hướng dẫn chi tiết cho các quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất thì người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiệm vụ triển khai, lắp đặt các thiết bị, đồ dùng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-06: 2009/BNNPTNT và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thời hạn trong vòng 3 năm.

Như vậy, áp dụng vào sự việc này, trong trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện QCVN 01-06: 2009/BNNPTNT và được cấp giấy phép kinh doanh thì không bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính. Ngoài ra, việc không đáp ứng quy chuẩn QCVN hoặc thời hạn được cấp phép sản xuất đã hết theo quy định pháp luật mà người có trách nhiệm trong cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện việc xin cấp lại giấy phép thì sẽ bị xử phạt căn cứ theo điểm a khoản 8 điều 22 Nghị định 115/2018 quy định:

Điều 22. Vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm
8. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Tiếp theo, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung căn cứ theo khoản 11 điều 22 Nghị định 115/2018:

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
c) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều này;

Thứ 2, liên quan đến thẩm quyền của cơ quan có trách nhiệm xử lý những vi phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm, căn cứ theo  khoản 2 điều 28 Nghị định 115/2018 quy định:

Điều 28. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
Theo đó, người có khiếu nại, kiến nghị cần chuẩn bị hồ sơ gửi đến cơ quan Uỷ ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về vấn đề pháp lý liên quan đến việc sản xuất kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thu Thuỷ

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề