chồng ép vợ quan hệ tình dục xử lý như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi

Chồng ép vợ quan hệ tình dục có phạm tội hiếp dâm hay tội gì khác không?
Người gửi: Hà XXX(Bắc Ninh)
Bài viết liên quan:
Kết quả hình ảnh cho chồng ép vợ quan hệ tình dục

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017
– Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007
– Luật hôn nhân gia đình 2014
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015

2. Chồng ép vợ quan hệ tình dục có phạm tội hiếp dâm không?

Thông thường khi đã kết hôn trở thành vợ chồng thì việc quan hệ tình dục sẽ là điều tất yếu mà mang tính tự nguyện, tuy nhiên, cũng có các trường hợp, do mâu thuẫn tình cảm, vấn dề tâm sinh lý  hay lý do nào đó mà một trong các bên không muốn quan hệ tình dục mà người còn lại thường là người chồng ép buộc vợ mình quan hệ tình dục thì khi đó hành vi của người chồng có được coi là phạm tội hiếp dâm hay cưỡng dâm hay tội gì khác không? Tuy nhiên, dưới sức nặng của tư tưởng gia đình và tư tưởng trọng nam khinh nữ thì khi gặp phải chuyện này người vợ thường có tâm lí chịu đựng thay vì tố cáo hành vi của người chồng, do đó thực tế không có hoặc có rất ít trường hợp này được xử lý. Vì vậy, thực tế vẫn chưa có một quy định thống nhất về việc xử lý hành vi này như thế nào mà vẫn là vấn đề quan điểm, có người coi đó là tội phạm có người lại coi là vi phạm quy định về hôn nhân gia đình, do đó, chúng tôi xin trình bày cả 2 quan điểm này như sau:
Thứ nhất, theo quan điểm xử lý hình sự: Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017(sửa đổi khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015) và Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội hiếp dâm và cưỡng dâm như sau:
“Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
“Điều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định này thì dấu hiệu cấu thành hai tội này được xác định như sau:
Mặt khách thể của tội phạm: quyền về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác(trong trường hợp này là người vợ)
Chủ thể của tội phạm: “người nào” theo đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự về độ tuổi và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 – Bộ luật Hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: lỗi cố ý trực tiếp của người phạm tội
Mặt khách quan của tội phạm: 
•Đối với tội hiếp dâm: hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân 
•Đối với tội cưỡng dâm: hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Như vậy, pháp luật không chỉ định rõ đối tượng của 2 tội này là ai,mà chỉ nói là “người nào có hành vi…” do đó, theo quan điểm của chúng tôi thì quy định này cũng không loại trừ đối tượng và nạn nhân có quan hệ vợ chồng, do đó,người chồng với tư cách là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự nên khi họ có hành vi ép vợ mình quan hệ tình dục mà việc ép buộc đó kèm theo các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của người vợ hoặc thủ đoạn khác để quan hệ tình dục trái ý muốn của người vợ hoặc dùng các thủ đoạn làm cho vợ mình ( người lệ thuộc về quan hệ hôn nhân, gia đình, con cái,…) miễn cưỡng quan hệ tình dục với mình thì theo quan điểm của chúng tôi người chồng hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành 2 tội này và theo đó họ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm. Tuy nhiên Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau: “1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.” Như vậy, dù hành vi của người chồng đủ cấu thành 1 trong 2 tội này thì họ cũng sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đó nếu có yêu cầu của người vợ. Thực tế thì người vợ thường có tâm lý chịu đựng để giữ quan hệ gia đình, hoặc xấu hổ nên thực tế hầu như chưa ghi nhận trường hợp nào về việc vợ kiện chồng hiếp dâm hoặc cưỡng dâm.
Thứ hai, quan điểm cho rằng việc quan hệ tình dục của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hôn nhân gia đình, do đó, trường hợp vợ chồng ép buộc quan hệ tình dục sẽ không xử lý theo hình sự mà được xử lý theo pháp luật về hôn nhân gia đình. Cụ thể:
– Dưới góc độ nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vợ chồng : Điều 21 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:
“Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.”
Như vậy, việc người chồng ép vợ quan hệ tình dục có thể được xem như là hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng do không tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người vợ. Khi đó, nếu người vợ khởi kiện dân sự thì đây được coi là tranh chấp về hôn nhân gia đình và theo Khoản 8 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đây được xác định là tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án: “Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
Khi đó việc xử lý hành vi của người chồng sẽ tùy thuộc vào phán quyết của Tòa án.
– Dưới góc độ hành vi bạo lực gia đình: Theo điểm đ Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục được xác định là 1 trong các hành vi bạo lực gia đình:
” Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;”
Khoản 1 Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về việc xử lý hành vi bạo lực gia đình như sau:
“Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
+ Về trách nhiệm hành chính: hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục có thể thuộc các trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại sức khỏe của người vợ, theo đó, theo quy định tại Điều 49, 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì khi có đơn khiếu nại hành vi này có thể bị xử lý như sau:
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
“Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.”
+ Truy cứu trách nhiệm hình sự: Như vậy, trong trường hợp này tùy tính chất, mức độ hành vi thì với hành vi ép buộc quan hệ tình dục thì người chồng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm.
Như vậy, do vẫn còn là vấn đề quan điểm nên việc xử lý hành vi chồng ép vợ quan hệ tình dục như thế nào còn tùy thuộc vào quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền và yêu cầu của người vợ.
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về việc chồng ép vợ quan hệ tình dục xử lý như thế nào?. Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: chồng ép vợ quan hệ tình dục xử lý như thế nào?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

3/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề