Chồng ngược đãi, hành hạ xâm phạm sức khỏe của vợ dẫn đến ly hôn thì giải quyết như thế nào ?

Tóm tắt tình huống 

Chào luật sư ! Tôi tên là Lộc, hiện đang làm việc và sinh sống với chồng tại Hà Nội. Tôi và chồng đã kết hôn và chung sống với nhau từ năm 2012, cuộc sống vợ chồng có đôi lúc cãi vã nhưng cũng là những việc không tránh khỏi trong đời sống hôn nhân, nhìn chung là rất êm thắm. đến năm 2016 chồng tôi phải đi tù vì tội ôm lô đề. Đến đầu năm 2017 thì anh được ra tù, tuy nhiên khi về nhà anh có những hành vi thô lỗ như mang những tài sản có giá trị của tôi đi cầm cố bao gồm : 1 chiếc xe máy wave alpha, 1 chiếc điện thoại Samsung s5 ( những tài sản này tôi mua từ năm 2014 đến nay và có giấy phép đăng kí với xe máy ), khi tôi có ý kiến thì đánh đập, dùng kiêm tiêm có máu đâm vào người tôi để đe dọa (về sau anh có nói là máu lợn). Nay tôi muốn làm đơn đơn phương ly hôn, vậy xin hỏi tôi đã đủ điều kiện ly hôn hay chưa ? tôi cần những giấy tờ gì và nộp cho ai ? và với những hành vi của anh thì vi phạm luật như thế nào. Trên đây là trường hợp của tôi, kính mong nhận được phản hồi của quý luật sư !
Người gửi : Võ Xuân Lộc
bao luc gia dinh 21214 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật dân sự 2015;
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
– Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009;
– Nghị định 126/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình;
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì với những hành vi xâm hại tới sức khoẻ thành viên gia đình.

2/ Chồng ngược đãi, hành hạ xâm phạm sức khỏe của vợ dẫn đến ly hôn thì giải quyết như thế nào ?

Về vấn đề hồ sơ ly hôn đơn phương :
Theo điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định :
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Căn cứ vào việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được mà Tòa án sẽ giải quyết ly hôn cho hai bạn. 
Vấn đề “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” được hiểu là : Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống;  Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau; Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
Như vậy cần phải xét xem trong trường hợp của bạn có yếu tố trầm trọng và đã được bà con thân thích, cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần hay chưa. Nếu có những yếu tố này thì có thể hiểu rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được và bạn có thể làm đơn ly hôn nhờ Tòa án giải quyết.
a. Hồ sơ ly hôn bao gồm:
– Đơn xin ly hôn
– Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
– Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai vợ chồng
– Bảo sao giấy khai sinh của con (nếu có)
– Các giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có).
b. Nơi nộp hồ sơ: 
Hồ sơ xin ly hôn sẽ nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết
Về thẩm quyền theo cấp: Khỏan 1 Điều 35 BLTTDS 2015 có quy định:
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.”
Theo quy định của Điều 40 Bộ luật dân sự 2015, thì 
“Điều 40. Nơi cư trú của cá nhân
1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.”
Như vậy, Hồ sơ xin ly hôn sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu không biết nơi cư trú, làm việc thì sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng).
Về vấn đề chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:
Như thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn cầm cố điện thoại và xe máy của bạn, mà những tài sản này bạn mua trong thời kì hôn nhân nên căn cứ theo điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đây là những tài sản chung của vợ chồng. Theo khoản 1 điều 35 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận và phải lập thành văn bản nếu động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, chồng bạn tự ý chiếm hữu, sử dụng tài sản chung mà không được sự đồng ý của bạn là trái pháp luật. Do đó, bạn có thể yêu cầu chồng hoàn trả số tài sản nói trên vào khối tài sản chung.
Nếu chồng bạn không đồng ý thì bạn có thể đề nghị cơ quan chính quyền địa phương xử lý hành chính chồng bạn về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác với mức phạt 1-2 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên khi đề nghị xử phạt hành chính, bạn phải chứng minh được các tài sản mà vợ bạn mang đi là tài sản chung của vợ chồng, do đó bạn cũng có quyền sở hữu đối với số tài sản đó.
Về vấn đề ngược đãi, hành hạ, xâm phạm sức khỏe của vợ:
Theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì với những hành vi xâm hại tới sức khoẻ thành viên gia đình thì Uỷ ban nhân dân xã có thẩm quyền giải quyết với những hành vi sau:
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Và nếu như anh ta vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trên thì anh có thể báo cho cơ quan công an hoặc các cơ quan, tổ chức khác về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình được quy định trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 như sau:
“Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”
Trên đây là tư vấn của công ty luật Việt Phong về Chồng ngược đãi, hành hạ xâm phạm sức khỏe của vợ dẫn đến ly hôn thì giải quyết như thế nào ? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên : Mai Đức Quý

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Chồng ngược đãi, hành hạ xâm phạm sức khỏe của vợ dẫn đến ly hôn thì giải quyết như thế nào ?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề