Chống trả người dùng dao đe dọa và gây thương tích cho người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không

Tóm tắt câu hỏi

Luật sư cho tôi hỏi Anh T có cầm dao de dọa tôi và tôi có đấm anh T 1 cái; còn bạn tôi trong qúa trình xô xát đã cầm gạch đập vào đầu anh T 1 cái và bị khâu 3 mũi. Vậy luật sư cho tôi hỏi như vậy tôi và bạn tôi có bị chịu trách nhiệm hình sự không, cảm ơn luật sư
Người gửi: Đào Ninh ( Lào Cai)
Bài viết liên quan:
phongve 18062716412844226 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật hình sự 2015
– Nghị quyết 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự
– Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao số hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự

2. Bị người khác cầm dao đe dọa mà gây thương tích cho người đó thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Như bạn trình bày thì bạn chỉ có hành vi đấm lại người đó bằng tay không nên mức độ nguy hiểm thấp, do đó, hành vi này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, nếu bạn có giúp sức cho bạn của bạn khi đạp gạch vào đầu nạn nhân thì nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn sẽ bị coi là đồng phạm với bạn của bạn. Còn hành vi của bạn của bạn đã dùng gạch đập vào đầu của người đó và làm cho người đó bị khâu 3 mũi tức bạn của bạn đã gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tuy nhiên, hành vi này có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể, Vì bạn không trình bày rõ nên chúng tôi không nắm rõ tình hình cụ thể lúc xô xát nên không thể có kết luận chính xác về việc hành vi đánh lại người đe dọa của bạn cảu bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không nên chúng tôi xin trình bày khái quát như sau:
– Trường hợp 1: Hành vi của người bạn đó được xác định là phòng vệ chính đáng:
Khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự quy định về việc Phòng vệ chính đáng như sau:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Như vậy, vì không rõ hoàn cảnh lúc đó như thế nào nên chúng tôi cũng không thể kết luận được việc các bạn đánh trả người đó có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Song như bạn trình bày thì người đó cầm dao de dọa bạn tức là đang có nguy cơ xâm phạm tới sức khỏe, thân thể, tính mạng của bạn và, nên bạn hay bạn của bạn có quyền chống trả ” một cách cần thiết” để ngăn cản hành vi đó và bảo vệ bản thân và người khác. Tuy nhiên, để chứng minh như thế nào là ” chống trả một cách cần thiết” thì hiện tại thực tế điều tra, xét xử ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và bất cập. Theo đó, việc bạn chỉ đấm người đó 1 cái bằng tay không thì có thể được xem xét là phòng vệ chính đáng, bởi mức độ không lớn; tuy nhiên,  hành vi dùng gạch đập vào đầu người đó dẫn đến người đó phải bị khâu 3 mũi, trong khi cả bạn và bạn của bạn không bị thương gì (vì bạn không nhắc tới) thì đã thể hiện tính nguy hiểm của hành vi và mức độ chống trả cao hơn nên để chứng minh đây là phòng vệ chính đáng là điều không dễ. Theo đó, để chứng minh đây là phòng vệ chinh đáng thì bạn và bạn của bạn cần phải chỉ ra rằng trong hoàn cảnh đó nếu người bạn của bạn không làm vậy thì có căn cứ chắc chắn rằng bản thân hoặc bạn sẽ bị người cầm dao kia tấn công, gây tổn hại sức khỏe, tính mạng và việc dùng gạch đập vào người đó là bởi gạch là công cụ gần nhất, nhanh nhất mà bạn của bạn có thể sử dụng để chống trả ngay tức khắc hành vi của người đó và đây là lựa chọn cuối cùng khi không còn phương thức nào khác tối ưu hơn mà bạn của bạn có thể sử dụng để bảo vệ bản thân và người khác lúc đó. Việc chứng minh thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và 2 bạn cũng có quyền tự mình chứng minh việc đánh lại là phòng vệ chính đáng.
Như vậy, nếu hành vi của 2 bạn được công nhận là phòng vệ chính đáng thì theo quy định trên hành vi này của hai bạn không phải là tội phạm và theo đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Trường hợp 2: Hành vi của người bạn đó bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu cơ quan điều tra, xét xử kết luận hành vi dùng gạch đập vào đầu người khác là chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì hành vi này của bạn của bạn sẽ được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và khi đó theo quy định trên hành vi này của bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành khác.
Cụ thể, hành vi dùng gạch đập ào đầu của người khác thì với nhận thức bình thường chắc chắn bạn của bạn biết rằng việc đó là nguy hiểm và có thể gây ra hậu quả nhưng vẫn thực hiện do đó hành vi này được xem xét là hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.  Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này được quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; 
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; 
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; 
đ) Có tổ chức; 
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; 
i) Có tính chất côn đồ; 
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Vì bạn không trình bày nên chúng tôi không rõ lúc thực hiện hành vi đo hai bạn bao nhiêu tuổi nên chúng tôi giả định rằng hai bạn đã đủ tuổi và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự về tội này( Đủ 14 tuổi trở lên và không bị mất/bạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi). Như bạn trình bày thì người đó bị khâu 3 mũi nhưng không nói tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu % song xét hành vi dùng gạch đập vào đầu người khác thì chúng tôi xác định như sau:
Căn cứ Tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP quy định: “Dùng hung khí nguy hiểm”  là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.”
Trong đó Tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn giiar thích phương tiện nguy hiểm như sau:
“2.2. “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”
Như vậy, gạch được xác định là một hung khí nguy hiểm do đó dù tỷ lệ thương tổn của người đó là bao nhiêu thì theo quy định trên hành vi của bạn của bạn được coi là dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích, tổn hại sức khỏe của người khác do đó đủ yếu tố cấu thành tội này. Do đó, bạn của bạn và bạn (nếu thuộc trường hợp là đồng phạm) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 
Tuy nhiên, do thực hiện hành vi này vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nên đây được coi là 1 tình tiết giảm nhẹ với hai bạn theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015
“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;”
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về việc Chống trả người dùng dao đe dọa và gây thương tích cho người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không. Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Chống trả người dùng dao đe dọa và gây thương tích cho người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề