Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

Tóm tắt câu hỏi:

Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

Chào luật sư. Dạo gần đây tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều những vụ cháy nổ từ các địa điểm kinh doanh, nổi cộm nhất mới đây là các địa điểm karaoke gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Cho tôi hỏi pháp luật có quy định nào về những chủ thể kinh doanh phải đảm bảo các quy tắc an toàn về phòng cháy chữa cháy không? Tôi xin cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Thị Quỳnh (Hà Nội)

Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

( Ảnh minh họa:Internet)
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 Quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

– Nghị định số Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 Quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

– Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số  130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 và  Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 Quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

2/ Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

Trách nhiệm phòng chống cháy, nổ thuộc về tất cả mọi người, công dân phải thực hiện các quy tắc về an toàn cháy nổ để bảo đảm tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình. Đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ, pháp luật đặt ra những quy định cụ thể cần thiết để bảo đảm cho vấn đề này đó là: Bảo hiểm cháy, nổ.

Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.”

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ:

– Cơ sở sản xuất vật liệu nổ, cơ sở khai thác, chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất, chế biến hàng hoá khác cháy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

– Kho vật liệu nổ, kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt hoá lỏng; cảng xuất nhập vật liệu nổ, cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cảng xuất nhập khí đốt hoá lỏng.

– Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng.

– Nhà máy điện; trạm biến áp từ 110 KV trở lên.

– Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hoá có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

– Nhà ở tập thể, nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

– Bệnh viện tỉnh, bộ, ngành; các cơ sở y tế khám chữa bệnh khác có từ 50 giường trở lên.

– Rạp hát, rạp chiếu phim, hội trường, nhà văn hoá, nhà thi đấu thể thao trong nhà có thiết kế từ 200 chỗ ngồi trở lên, vũ trường, câu lạc bộ trong nhà, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí và phục vụ công cộng khác trong nhà có diện tích từ 200 m2 trở lên; sân vận động 5.000 chỗ ngồi trở lên.

– Nhà ga, cảng hàng không; cảng biển, cảng sông, bến tàu thuỷ, bến xe khách cấp tỉnh trở lên; bãi đỗ có 200 xe ôtô trở lên; nhà ga hành khách đường sắt loại 1, loại 2 và loại 3; ga hàng hoá đường sắt loại 1 và loại 2.

– Cơ sở lưu trữ, thư viện, bảo tàng, di tích lịch sử, nhà hội chợ, triển lãm thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Cơ sở phát thanh, truyền hình, cơ sở bưu chính viễn thông cấp tỉnh trở lên.

– Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển với quy mô khu vực và quốc gia thuộc mọi lĩnh vực.

– Kho hàng hoá, vật tư cháy được hoặc hàng hoá vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; bãi hàng hoá, vật tư cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên.

– Trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc, cơ sở nghiên cứu từ 6 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 25.000 m3 trở lên.

– Hầm mỏ khai thác than và các khoáng sản khác cháy được; công trình giao thông ngầm có chiều dài từ 400 m trở lên; công trình trong hang hầm trong hoạt động có sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

– Cơ sở và công trình có hạng mục hay bộ phận chính nếu xảy ra cháy nổ ở đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ cơ sở, công trình hoặc có tổng diện tích hay khối tích của hạng mục, bộ phận chiếm từ 25% tổng diện tích trở lên hoặc khối tích của toàn bộ cơ sở, công trình mà các hạng mục hay bộ phận đó trong quá trình hoạt động thường xuyên có số lượng chất nguy hiểm cháy, nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Khí cháy với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp dễ nổ chiếm từ 5% thể tích không khí trong phòng trở lên hoặc có từ 70 kg khí cháy trở lên;

+ Bụi hay xơ cháy được có giới hạn nổ dưới bằng hoặc nhỏ hơn 65 g/m3 với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp dễ nổ chiếm từ 5% thể tích không khí trong phòng trở lên; các chất rắn, hàng hoá, vật tư là chất rắn cháy được với khối lượng trung bình từ 100 kg trên một mét vuông sàn trở lên;

+ Các chất có thể cháy, nổ hoặc sinh ra chất cháy, nổ khi tác dụng với nhau với tổng khối lượng từ 1.000 kg trở lên;

+ Các chất có thể cháy, nổ hoặc sinh ra chất cháy, nổ khi tác dụng với nước hay với ô xy trong không khí với khối lượng từ 500 kg trở lên…

– Công trình tàu điện ngầm; hầm đường sắt có chiều dài trên 2.000 m; hầm đường bộ có chiều dài từ 600m trở lên; hầm mỏ khai thác than và các khoáng sản khác cháy được; các công trình ngầm trong hoạt động có sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.

Như vậy, những cơ sở kinh doanh trên theo quy định của pháp luật sẽ bắt buộc phải đóng bảo hiểm cháy, nổ. Nếu những cơ sở trên không thực hiện nghĩa vụ này sẽ không được thực hiện hoạt động kinh doanh, hoặc nếu kinh doanh không hợp pháp mà gây cháy, nổ thì sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo pháp luật.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc? Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Chủ thể kinh doanh nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề