Có được quyền nuôi con khi bị người tình của vợ đánh?

Tóm tắt câu hỏi:

Vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm và có 2 con sinh đôi 38 tháng tuổi. 1/6/2016 vợ tôi sống cùng người khác, tôi thương con đi kiếm về nhưng không chịu về còn xúi người tình đánh gây thương tích cho tôi dẫn đến bị gẫy tay nứt xương. Có người dân làm chứng và công an phường xác nhận, tại địa phương 2 người họ đang sống như vợ chồng. Cho hỏi vợ tôi và người tình đó có bị xử phạt vi phạm pháp luật gì không? Và tôi có được quyền nuôi con không? Xin cảm ơn nhiều.

Người gửi: Nhàn Nguyễn

Có được quyền nuôi con khi bị người tình của vợ đánh?

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Cơ sở pháp lý

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

– Bộ luật Hình sư năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009;

– Nghị định số 110/2013/NĐ – CP ngày 24/09/2013 quy định về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

2/ Có được quyền nuôi con khi bị người tình của vợ đánh?

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn và vợ bạn kết hôn được 5 năm. Ngày 1 tháng 6 năm 2016 vợ bạn đi sống cùng người khác như vợ chồng đồng thời có người dân làm chứng và công an phường xác nhận. Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp thì vợ bạn và người tình có thể bị truy cứu nhưng trách nhiệm sau: 

Về trách nhiệm hành chính:

Tại nghị định số 110/2013/NĐ – CP ngày 24/09/2013 quy định về xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã tại Điều 48 có quy định : “phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

b. Đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác

c. Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.

Về trách nhiệm hình sự:

Việc chung sống như vợ chồng còn có thể bị xử lí hình sự. Điều 147 Bộ luật hình sự quy định chế tài về xử phạt chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ 1 vợ 1 chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm”.

Như vậy, trường hợp của bạn thì vợ bạn và người tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và đồng thời nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. 

Trường hợp nào được giành quyền nuôi con sau ly hôn?

Về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ ưu tiên cho mẹ nuôi. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Như vậy trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi con thì người cha có quyền yêu cầu tòa án giành quyền nuôi con.

Trường hợp của bạn 2 con của bạn đã 38 tháng tuổi như vậy bạn và vợ bạn có quyền nuôi con bình đẳng như nhau vì vậy đều có thể giành quyền nuôi con sau ly hôn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”.

Do đó, sau khi ly hôn vợ chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con. Nếu không thỏa thuận đượ thì toà án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để giao cho người trực tiếp nuôi con. 

 Về việc người tình của vợ đánh bạn gây thương tích

Căn cứ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”

Theo như thông tin bạn cung cấp, vợ bạn đã xúi người tình đánh bạn gãy tay đến nứt xương. Ở đây, hành vi của người tình vợ bạn đã xâm phạm trái pháp luật đến sức khỏe của bạn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên vì bạn chưa cung cấp thông tin về mức độ thương tật của bạn là bao nhiêu do đó bạn cần căn cứ theo quy định của pháp luật về tỷ lệ thương tật cũng như việc sử dụng công cụ phương tiện gây thương tích cho bạn mà người tình của vợ bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, về hành vi xúi giục người tình đánh bạn của vợ bạn. 

Tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm”
 
Theo đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
 
Như vậy, vợ của bạn đã có hành vi xúi giục, thúc đẩy người tình thực hiện hành vi đánh bạn gây thương tích. Do đó vợ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người xúi giục. 

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Có được quyền nuôi con khi bị người tình của vợ đánh? Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

LUẬT VIỆT PHONG – PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Có được quyền nuôi con khi bị người tình của vợ đánh?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề