Con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không?

Tóm tắt câu hỏi:

Con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không?

Cháu sinh năm 1996, năm 2011 tôi được bà T nhận làm con nuôi. Năm 2016, mẹ nuôi cháu mất, có để lại một căn nhà nhưng không để lại di chúc. Cháu đòi chia một nửa căn nhà nhưng người con ruột của mẹ nuôi không đồng ý với lý do cháu không có quyền thừa kế. Xin luật sư cho cháu hỏi, cháu có thể khởi kiện để đòi quyền lợi cho mình hay không? Cháu xin cảm ơn!
Người gửi: Nguyễn Hữu Nhất (Hải Phòng)
 
 Con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không?

( Ảnh minh họa:Internet)
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn ! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý:

– Luật Nuôi con nuôi năm 2010

– Bộ luật Dân sự năm 2005

2/ Con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không?

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn được bà T nhận làm con nuôi từ năm 2011. Nhưng bạn không có cung cấp thông tin là bà T nhận bạn làm con nuôi có đúng theo quy định của pháp luật về việc nhận nuôi con nuôi hay không? hay chỉ là nhận nuôi con nuôi bằng miệng, theo phong tục của địa phương vì hay ốm đau nên nhận bố mẹ nuôi để được khỏe mạnh…..?

Theo đó, căn cứ theo các quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định cụ thể về điều kiện để được nhận làm con nuôi, điều kiện của người nhận con nuôi, và trình tự thủ tục để nhận nuôi con nuôi, cụ thể:

Điều 8. Người được nhận làm con nuôi

1. Trẻ em dưới 16 tuổi.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Còn về điều kiện của người nhận con nuôi được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010:

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.

Như vậy, nếu bà T và bạn có đủ điều kiện theo quy định của Luật này như đã nói ở trên. Sau đó, bà T đã nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký nhận nuôi con nuôi. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi, gồm các cơ quan sau:

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

3. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

Khi xét thấy người nhận con nuôi (bà T) và người được nhận làm con nuôi (bạn) có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người có quyền theo quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi.

Như vậy, khi bà T nhận bạn làm con nuôi mà làm đầy đủ các thủ tục đăng ký để nhận bạn làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật thì lúc đó, bạn sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ giữa mẹ và con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bạn cũng có quyền và nghĩa vụ như người con ruột của bà T. Chính vì vậy, sau khi bà T mất mà bà ấy không để lại di chúc, nên bạn có quyền được hưởng di sản thừa kế mà bà T để lại theo quy định của pháp luật là thừa kế theo pháp luật.

Theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên, nếu như bạn được bà T nhận làm con nuôi thực hiện đúng trình tự, thủ tục của nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì bạn sẽ có quyền được nhận di sản thừa kế của mẹ nuôi bạn để lại, người khác không có quyền ngăn cấm bạn. Lúc này, bạn có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản theo pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích cho mình.

Ngược lại, nếu bạn không đủ điều kiện để trở thành con nuôi hợp pháp của bà T thì bạn không có quyền được hưởng di sản bà T để lại, cũng như không có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án.

Trên đây là tư vấn  của công ty Luật Việt Phong về con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế không?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề