Đăng ký khai sinh cho con khi người cha mang quốc tịch nước ngoài

Nội dung câu hỏi

Mình có đăng ký kết hôn với một người Việt Nam, nhưng trong quá trình hôn nhân có vấn đề và mình ly thân. Trong thời gian này mình sinh con với một bạn quốc tịch Anh. Cho mình hỏi, trên giấy chứng sinh chỉ có tên mẹ không có tên cha, vậy khi đi khai sinh mình có bản xét nghiệm ADN thì con mình có được để tên cha trong giấy khai sinh không? Trong trường hợp không thể để tên cha trong giấy khai sinh thì con mình có thể nhập quốc tịch anh hay không?

mat giay khai sinh goc lam lai o dau thu tuc cap lai giay khai sinh

Luật sư tư vấn

Xin chào quý khách! Xin cảm ơn quý khách đã lựa chọn Luật Việt Phong. Về câu hỏi của quý khách, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật Hộ tịch 2014
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.

Quy định pháp luật về thủ tục đăng ký khai sinh

Có được ghi tên người cha trên giấy khai sinh cho con khi không có tên cha trên giấy chứng sinh?

Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.”

Như vậy, giấy chứng sinh là một trong những điều kiện cần để đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc không có tên cha trong giấy chứng sinh không ảnh hưởng tới việc đăng ký khai sinh của con.

Theo thông tin quý khách cung cấp, quý khách đã ly thân với chồng là người Việt Nam, trong khoảng thời gian ly thân, quý khách sinh con với một người quốc tịch Anh. Do quý khách đang trong tình trạng ly thân nên việc kết hôn giữa quý khách và người chồng Việt Nam vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, quý khách và người mang quốc tịch Anh không có đăng ký kết hôn cho nên đứa con quý khách sinh ra với người Anh là con ngoài giá thú.

Trong trường hợp này, để có thể ghi tên ở mục “Người cha” trên giấy khai sinh của con, người cha cần phải làm thủ tục nhận con.

Khoản 1 Điều 44 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.”

Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:

“Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Pháp luật cho phép cùng một lúc với việc người mẹ đăng ký khai sinh cho con thì người cha làm thủ tục nhận con, Ủy ban nhân dân sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh để ghi tên người cha vào giấy khai sinh theo quy định tại Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP sau đây:

“1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

2. Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư này. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.”

Như vậy, quý khách có thể ghi tên người cha trên giấy khai sinh của con mà không phụ thuộc vào việc tên người cha có được ghi trên giấy chứng sinh hay không. Để có thể ghi thông tin người cha trên giấy khai sinh trong trường hợp này, ngoài cung cấp bản xét nghiệm ADN cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người cha cần làm thủ tục đăng ký nhận con. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký nhận cha, con theo mẫu quy định;

b) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con: bản xét nghiệm ADN;

c) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

Trong trường hợp không thể để tên cha trong giấy khai sinh thì con có thể nhập quốc tịch anh không?

Điều 36 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh:

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.”

Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp của quý khách, để con của quý khách được mang quốc tịch của người cha thì quý khách và người cha cần lập văn bản thỏa thuận xác nhận về việc chọn quốc tịch Anh cho con.

5/5 - (2 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề