Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài 

Nội dung câu hỏi

Mình tên là Bình, sinh năm 1990. Mình từng có quốc tịch Việt Nam từ khi đẻ ra tới năm 2022 vì bố mẹ là người Việt Nam và đã từng sinh sống từ nhỏ đến khi từ bỏ quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch Đức vào năm 2022. Mình vào quốc tịch Đức tự thân làm việc đủ điều kiện nhập tịch, không do kết hôn hay bảo lãnh. Mình xin hỏi hiện mình muốn xin nhập lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch Đức có được không ạ?

Đức sẽ cho phép công dân mang 2 quốc tịch

Luật sư tư vấn

Xin chào quý khách! Cảm ơn quý khách đã gửi câu hỏi tới Luật Việt Phong! Về vấn đề của quý khách, Luật Việt Phong xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật quốc tịch Việt Nam 2008
  • Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam

Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài

Theo thông tin quý khách cung cấp, quý khách đã được thôi quốc tịch Việt Nam và đã được nhập quốc tịch Đức; nay quý khách có nguyện vọng được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch Đức.

Pháp luật quốc tịch Việt Nam quy định cá nhân được có đồng thời hai quốc tịch phải đáp ứng điều kiện chung để được trở lại quốc tịch Việt Nam kèm theo các điều kiện đặc biệt khác và có sự cho phép của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể như sau:

Trước hết, quý khách cần đáp ứng được điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008:

“1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.” 

Điều 26 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định căn cứ mất quốc tịch Việt Nam:

“1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.

3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Ngoài điều kiện chung để trở lại quốc tịch Việt Nam trên đây, quý khách cần đáp ứng các điều kiện riêng sau:

Khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:

“5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định: 

“Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

1. Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

3. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

4. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” 

Điều 8 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã giành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.”

Như vậy, trong trường hợp của quý khách, để có thể được giữ hai quốc tịch là Việt Nam và Đức, đầu tiên quý khách phải đáp ứng một trong những điều kiện sau:

  • Có vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam
  • Đã có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan)  
  • Được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét thấy việc trở lại quốc tịch Việt Nam của quý khách có lợi cho Nhà nước (có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã giành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy quý khách sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam)

Khi đã thỏa mãn một trong những điều kiện nêu trên, quý khách phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện riêng như sau:

  • Việc xin giữ quốc tịch Đức của quý khách khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước Đức
  • Việc thôi quốc tịch Đức dẫn đến quyền lợi của quý khách ở nước Đức bị ảnh hưởng 
  • Không sử dụng quốc tịch Đức để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nếu quý khách đáp ứng đủ các điều kiện trên, quý khách sẽ được Chủ tịch nước xem xét và cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch Đức.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề