Điều kiện, thủ tục kinh doanh nhà hàng ăn uống

Posted on Tư vấn luật hành chính 1511 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi

Sắp tới tôi và một số người bạn muốn chung vốn mở 1 nhà hàng ăn uống, vậy các luật sư cho tôi hỏi, chúng tôi cần làm gì để có thể kinh doanh nhà hàng này hợp pháp. Tôi xin cảm ơn! 
Người gửi: Hương Linh ( Phú Thọ)
Bài viết liên quan:
Kết quả hình ảnh cho điều kiện kinh doanh nhà hà ng ăn uống

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010
– Thông tư 47/2014/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
– Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
– Luật doanh nghiệp 2014
– Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 về Đăng ký doanh nghiệp
– Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
– Thông tư 60/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu

2/ Điều kiện, thủ tục kinh doanh nhà hàng ăn uống

Để kinh doanh nhà hàng ăn uống thì theo quy định pháp luật hiện hành, các bạn cần có 1 số các giấy phép sau:

2.1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn của các bạn là có địa điểm cố định và mang tính thường xuyên, do đó, không thuộc các trường hợp kinh doanh không phải đăng ký quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP vì vậy để kinh doanh dịch vụ này hợp pháp thì các bạn phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, như bạn trình bày thì bạn kinh doanh chung với 1 số người bạn khác nữa, do đó, tùy vào nhu cầu, các bạn có thể đăng ký kinh doanh theo 1 trong số các hình thức sau: Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh, Hộ kinh doanh.
Cụ thể để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh thì bạn và các bạn của bạn cần đáp ứng điều kiện và thủ tục như sau:
– Điều kiện với cá nhân thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh:
Bạn và các bạn của bạn cùng góp vốn để mở nhà hàng do đó cả bạn và các bạn của bạn đều là cá nhân thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh; do đó, theo quy định pháp luật các bạn phải đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Trường hợp các bạn thành lập doanh nghiệp(công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh) thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014, cụ thể là:
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”
+ Trường hợp các bạn thành lập hộ kinh doanh thì cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể là:
“Điều 67. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh
1. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này.
2. Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
Như bạn trình bày thì các bạn góp vốn kinh doanh do đó, các bạn cần xác định rõ tỷ lệ % vốn của mỗi người và cử 1 người (hoặc nhiều hơn 1 đối với trường hợp thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH) làm người đại diện theo pháp luật.
+ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ (01 bộ)
Tuy vào loại hình doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh mà các bạn đăng ký thì thành phần hồ sơ có sự khác nhau, cụ thể:
• Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp công ty hợp danh: xem Điều 21 Luật doanh nghiệp 2014
• Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH: xem Điều 22 Luật doanh nghiệp 2014
• Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần: xem Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014
Cách hoàn thiện hồ sơ các bạn có thể tham khảo thêm quy định tại Chương II Luật doanh nghiệp 2014 và Chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP
+ Bước 2: Nộp hồ sơ: 
Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo quy định các bạn gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh ( Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư)
+ Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ: Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ( trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho các bạn)
+ Bước 4: Trả kết quả: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ các bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2.2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Khoản 10 Điều 5 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 quy định  hành vi cấm “10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.” Như bạn trình bày thì các bạn mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, do đó, khi kinh doanh các bạn cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định như sau:
– Điều kiện cấp: đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 cụ thể như sau:
“Điều 34. Đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
+ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ(1 bộ)
Thành phần hồ sơ gồm các giấy tờ quy định tại Điều 1 Thông tư 47/2014/TT-BYT, cụ thể gồm:
“Điều 1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (sau đây gọi tắt là cơ sở) được đóng thành 01 bộ theo quy định tại Điều 36 Luật an toàn thực phẩm, gồm các giấy tờ sau:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
3. Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:
a) Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở;
b) Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống;
c) Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
4. Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
5. Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
6. Danh sách kết quả cấy phân tìm vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn của người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.”
+ Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan  có thẩm quyền cấp, cụ thể như sau: Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BYT
“Điều 5. Phân cấp cấp Giấy chứng nhận
1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở sau đây:
a) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện,thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
2. Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.[…]”
+ Bước 3: Thẩm định hồ sơ và việc đáp ứng điều kiện cấp của cơ sở(Khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư 47/2014/TT-BYT)
“Điều 2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận
1. Thẩm xét hồ sơ:
a) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ;
b) Nếu quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ mà  cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận sẽ hủy hồ sơ.
2. Thẩm định cơ sở:
a) Sau khi có kết quả thẩm xét hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định cơ sở. Trường hợp ủy quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền;
b) Đoàn thẩm định cơ sở:
– Đoàn thẩm định cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập;
– Đoàn thẩm định cơ sở gồm từ 3 đến 5 thành viên, trong đó tương ứng phải có ít nhất 1 đến 2 thành viên làm công tác về an toàn thực phẩm;
– Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cơ sở.
c) Nội dung thẩm định cơ sở:
– Đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định;
– Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở với hồ sơ và theo quy định và lập Biên bản thẩm định theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.”
+ Bước 3: Cấp giấy chứng nhận: Khoản 3 Điều 2 Thông tư 47/2017/TT-BYT
“3. Cấp Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 37 Luật an toàn thực phẩm.
b) Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải chờ hoàn thiện, biên bản phải ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thiện nhưng không quá 15 ngày. Đoàn thẩm định tổ chức thẩm định lại khi cơ sở có văn bản xác nhận đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm của Đoàn thẩm định lần trước. Việc thẩm định thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này
c) Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trực tiếp của địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận. Cơ sở phải nộp lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 1 của Thông tư này.”
– Thời hạn, hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm (Điều 37 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010)
“Điều 37. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
2. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật này.”

2. 3. Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu(nếu kinh doanh thêm rượu)

Trường hợp nhà hàng ăn uống của bạn có kinh doanh thêm hoạt động bán lẻ rượu thì bạn còn phải xin thêm giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu theo quy định tại Thông tư 60/2014/TT-BCT. Để được cấp giấy phép bạn cần làm 01 bộ hồ sơ (thành phần hồ sơ Điều 12 Thông tư 60/2014/TT-BTC) gửi Phòng Công Thương, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc chưa hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện.
Đối với trường hợp bạn chỉ kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ ăn kèm đối với đồ ăn thì không cần phải xin giấy phép bán lẻ rượu mà chỉ phải thông báo với Phòng Công Thương (Phòng Kinh tế) trên địa bàn trước khi thực hiện kinh doanh theo quy định tại văn bản số 3414/BCT-TTN ngày 07/4/2015 của Bộ Công Thương.

2.4. Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường(nếu có)

Tại số thứ tự 5 Phụ lục IV Danh mục các đối tượng không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định: “5. Dịch vụ ăn uống có quy mô diện tích nhà hàng phục vụ dưới 200 m2.” không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, do đó, suy luận rằng nếu nhà hàng ăn của các bạn có diện tích từ 200 m2 trở lên thì các bạn phải làm thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường các bạn có thể tham khảo quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Thông tư 27/2015/TT-BTNMT.
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về Điều kiện, thủ tục kinh doanh nhà hàng ăn uống. Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Điều kiện, thủ tục kinh doanh nhà hàng ăn uống
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề