Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế đất đai trong diện giải tỏa đền bù

Tóm tắt tình huống

Kính gửi Công ty Luật Việt Phong!
Tôi xin nhờ Quý Công ty giúp đỡ tư vấn về việc tranh chấp tài sản thuộc diện giải tỏa đền bù.
Căn nhà chung đang tranh chấp thuộc diện giải tỏa đã được Ban bồi thường đền bù chi tiết: đền bù diện tích đất ở, đền bù kết cấu xây dựng và hỗ trợ di dời cho những người tại căn nhà này. Căn nhà này tôi đã bỏ tiền ra để xây dựng lại, nay giải tỏa đền bù tôi yêu cầu được trả lại khoản này nhưng không có sự thống nhất các anh em hàng thừa kế. Tôi mong muốn được nhận lại khoản đền bù chính đáng mà tôi đã bỏ ra góp vào trong căn nhà (để lo cho cuộc sống mới).
Tôi xin Quý Luật sư Công ty Luật Việt Phong hỗ trợ tư vấn giúp tôi các vấn đề pháp lý (thủ tục, giấy tờ cần có, đề đơn…) để tôi có thể thực hiện cầu cứu đến cơ quan chức năng giải quyết.
Chân thành cảm ơn!
Người gửi: Thùy Lan
tranh chap dat dai 17062711111410235 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến luật Việt Phong. Về vấn đề của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn giúp bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Đất đai năm 2013.

2. Giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai trong diện giải tỏa đền bù

Theo như bạn cung cấp thông tin, hiện tại nhà đất này là di sản thừa kế và chưa được chia di sản cho những người trong hàng thừa kế. Bạn là người quản lý di sản này và đã bỏ tiền ra xây dựng lại căn nhà. Tuy nhiên, nhà đất này nằm trong diện giải tỏa và đến nay đã được bồi thường theo quy định của Nhà nước. Di sản này dù được chia theo di chúc hay theo pháp luật thì cũng phải được tôn trọng và tuân theo quy định của pháp luật.
Căn nhà này đã được đền bù nghĩa là di sản này đã được làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế; đã phải có một người đứng ra để làm các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai và nhận bồi thường khi có quyết định giải tỏa. 
Theo quy định tại Điều 616 – Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người quản lý di sản, cụ thể:
“1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý”.
Tại Điều 618 – Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người quản lý di sản như sau: 
“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”.
Quy định tại Điều 658 – Bộ luật dân sự năm 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán:
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác”.
Như vậy, từ các quy định trên, là người quản lý di sản – bạn đã xây dựng lại căn nhà để bảo quản di sản thừa kế, bạn có quyền được hưởng thù lao, được thanh toán chi phí bảo quản di sản là căn nhà đó và được ưu tiên thanh toán chi phí bảo quản di sản. Mức thù lao hay chi phí bảo quản di sản này được những người thừa kế cùng thỏa thuận để trả cho người quản lý di sản. Nếu không thỏa thuận được với những người thừa kế khác thì phải được một khoản thù lao hợp lý. Hiện tại, căn nhà đã được bồi thường theo quy định, khoản bồi thường này sau khi trừ đi các chi phí trong đó có chi phí cho việc bảo quản di sản, sau đó mới được chia cho những người thừa kế.
Nếu các bên vẫn không tự thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế khi đã được bồi thường đất đai bị thu hồi thì có thể khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (Điều 26 – Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Điểm c – khoản 1 – Điều 39 – Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, bạn có thể làm đơn lên Tòa án nhân dân nơi có bất động sản là căn nhà đó để giải quyết. 
Thời hiệu thừa kế quy định tại Điều 623 – Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn khởi kiện;
Giấy chứng tử của người để lại di sản;
Di chúc hoặc biên bản thể hiện ý chí của người để lại di chúc trước khi chết; 
Giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản;
Giấy tờ chứng minh về  Quyết định bồi thường, các khoản đền bù khi thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế đất đai trong diện giải tỏa đền bù. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Hoàng Thị Nụ

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế đất đai trong diện giải tỏa đền bù
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề