Giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi

Tóm tắt tình huống:

Hiện nay tôi đang làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân, tôi có câu hỏi muốn nhờ anh chị tư vấn giúp như sau: hiện nay cơ quan tôi đang muốn ký hợp đồng lao động với 02 người cao tuổi là nữ cụ thể 1 người 63 tuổi đang hưởng lương hưu, 1 người 61 tuổi, nếu cơ quan tôi ký hợp đồng lao động 2 tháng hoặc 3 tháng thì có phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không? Và ký hợp đồng như vậy có đúng quy định không vì cơ quan tôi đã ký hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng được 2 năm rồi tức là đã ký lại 01 lần.
Người gửi: Lại Nguyên
nguoi lao dong cao tuoi

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến luật Việt Phong. Về vấn đề của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn giúp bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Lao động năm 2012;
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
– Nghị định 05/2015/NĐ – CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;
– Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014;
– Luật Việc làm 2013.

2. Giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi

Căn cứ Điều 167 – Bộ luật Lao động 2012 quy định: 
“1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc”.
Theo Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ – CP quy định về hợp đồng lao động với người cao tuổi: 
“1. Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
2. Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động”
Dựa theo quy định trên, người lao động cao tuổi mà vẫn có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám, chữa bệnh và người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng lao động.
Điều 22 – Bộ luật Lao động 2012 quy định về các loại hợp đồng lao động:
“Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.”
Trường hợp này, cơ quan muốn kí hợp đồng lao động 2- 3 tháng với 2 người lao động cao tuổi nữ nhưng trước đó cơ quan và người lao động đã kí hợp đồng lao động xác định thời hạn là 12 tháng và đã kí thêm hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng 1 lần  nữa. Pháp luật quy định, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên việc kí hợp đồng lao động 2-3 tháng là trái với quy định của pháp luật. Như vậy, thì hợp đồng lao động đến lần thứ 3 này phải là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
*Về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:
Thứ nhất, đối với người lao động nữ 63 tuổi đang hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định tại Khoản 9 – Điều 123 – Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: 
“Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”
Đối với người lao động này, do đang hưởng lương hưu và đang giao kết hợp đồng lao động nên không là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 
Người lao động đang hưởng lương hưu là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng nên cơ quan bạn không phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng lương hưu. (Điểm a – Khoản 2 – Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014)
Người lao động đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Khoản 2 –Điều 42 – Luật Việc làm 2013)
Theo đó, người lao động đang hưởng lương hưu thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, phía cơ quan bạn phải trả cho người lao động này một khoản tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hàng năm theo quy định pháp luật, căn cứ Khoản 3 – Điều 186 Bộ luật Lao động 2012: 
“Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”
Thứ hai, đối với người lao động nữ 61 tuổi, do bạn không nói rõ người này đã được hưởng lương hưu hay chưa, nên  có thể chia 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Người lao động này đang được hưởng lương hưu, trường hợp này áp dụng như đối với người lao động 63 tuổi đã nêu ở trên.
Trường hợp 2: Người lao động này chưa đủ điều kiện được hưởng lương hưu, thì không thuộc trường hợp tại Khoản 9 – Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do vậy, với người lao động này vẫn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khoản 1 – Điều 12 – Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định:
“1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);”
Người lao động chưa đủ điều kiện nhận lương hưu sẽ là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp này cơ quan bạn sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích một phần từ lương của người lao động ra để đóng bảo hiểm y tế. Và người lao động này cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc (Khoản 1 – Điều 43 – Luật Việc làm 2013).
Như vậy, trường hợp người lao động đã nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Trần Đạt

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề