Giáo viên vay tiền nhưng chậm trả có bị kiện mất nghề hay không?

Tóm tắt câu hỏi

Mình cũng nợ 200 triệu và xin khất bạn thêm một thời gian nữa để trả nhưng mình là giáo viên , liệu có bị kiện mất nghề không?
Người gửi: Tố Cầm ( Thanh Hóa)
Bài viết liên quan:
Kết quả hình ảnh cho giáo viên bị đuổi việc

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Luật viên chức 2010
Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức
Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức
Bộ luật lao động 2012

2. Giáo viên vay tiền nhưng chậm trả có bị kiện mất nghề hay không?

Như bạn trình bày thì bạn là giáo viên, tuy nhiên không nói rõ nên chúng tôi xác định bạn có thể là công chức hoặc viên chức(nếu là giáo viên trường công) hoặc là người lao động (nếu là giáo viên trường tư). Do đó, về việc mà bạn lo lắng là sẽ bị mất việc tức là bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc (chỉ áp dụng với viên chức) hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (áp dụng với giáo viên là người lao động) thì chúng tôi xác định như sau:
– Trường hợp bạn là công chức:
Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức như sau:
“Điều 14. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.”
Như vậy, trong trường hợp này nếu việc bạn vay tiền chậm trả dẫn tới người vay khởi kiện đòi trả tiền thì đây chỉ là trách nhiệm dân sự, do đó, theo quy định trên việc bạn kị kiện không dẫn tới bạn bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên, trường hợp bạn bị kiện về trách nhiệm hình sự(ví dụ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và bị phạt tù mà không được hưởng án treo thì theo quy định trên bạn sẽ bị buộc thôi việc (tức mất việc)
– Trường hợp bạn là viên chức:
Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức như sau:
“Điều 13. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;
6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”
Như vậy, cũng như với công chức, với hành vi vay tiền chậm trả thì bạn sẽ chỉ bị ” buộc thôi việc” nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành và bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù mà không được hưởng án treo; còn nếu bạn chỉ bị kiên dân sự thì theo quy định trên bạn sẽ không bị buộc phải thôi việc.
Tuy nhiên, viên chức là đối tượng làm việc theo hợp đồng làm việc(Điều 2 Luật viên chức 2010) theo đó, khi bạn có hành vi vay tiền chậm trả mà bị kiện thì nếu đủ điều kiện thì đơn vị sự nghiệp công lập(trường học) nơi bạn công tác có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn khi đó bạn vẫn có thể mất việc. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật này;
c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy, theo quy định này thì nếu bạn không bị buộc thôi việc thì hành vi vay tiền châm trả kể cả trường hợp bạn bị kiện dân sự thì đây cũng không thuộc căn cứ để trường đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với bạn, do đó, với hành vi này bạn cũng sẽ không bị nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng.
– Trường hợp bạn là giáp viên tại trường tư tức là người lao động
Trường hợp này khi đó bạn sẽ làm việc theo hợp đồng lao động với tư cách là người lao động còn trường học là người sử dụng lao động, do đó, quan hệ lao động giữa bạn và trường sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật lao động. Theo đó, bạn sẽ chỉ mất việc nếu bị nhà chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể Điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”
Trong đó căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và căn cứ sa thải được xác định như sau:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.”
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.” 
Như vậy, với hành vi vay tiền chậm trả nếu bị kiện dân sự thì đây cũng không thuộc các căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng và sa thải; do đó bạn sẽ không bị mất việc theo 2 cách thức này; đồng thời nếu bạn không bị kết án tù giam về hành vi này thì cũng sẽ không bị chấm dứt hợp đồng lao động theo căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 36 Bộ luật lao động 2012.
Tổng kết lại thì dù bạn thuộc trường hợp là công chức, viên chức hay người lao động thì nhìn chung bạn sẽ chỉ bị mất việc (theo hình thức buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng )nếu hành vi vay tiền chậm trả của bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kết án phạt tù không được hưởng án treo. (nếu bạn không thuộc trường hợp này mà nhà trường vẫn lấy căn cứ để đuổi việc bạn thì bạn có thể khiếu nại, khởi kiện quyết định, hành vi đó để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình) Nếu hành vi của bạn không thuộc trường hợp trên thì việc này sẽ không làm bạn mất việc, tuy nhiên, dù sao đi nữa thì nếu bị kiện thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật dân sự do đó dù không bị mất việc thì bạn cũng có thể bị đơn vị sự nghiệp công lập kiểm điểm về hành vi vi phạm pháp luật đồng thời việc này cũng có thể làm giảm uy tín nghề nghiệp giáo viên của bạn, do đó, bạn nên trao đổi, thỏa thuận với chủ nợ để tránh tình huống kiện tụng xảy ra.
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về việc giáo viên vay tiền chậm trả nếu bị kiện thì có mất việc hay không? Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Giáo viên vay tiền nhưng chậm trả có bị kiện mất nghề hay không?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề