Hậu quả pháp lý từ việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình

Posted on Tư vấn luật dân sự 369 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi

Kính chào Luật sư! Tôi có chút vướng mắc kính mong được Luật sư tư vấn như sau:
Chồng tôi có thuê một người tên Út thông qua sự giới thiệu của người em rể vào làm bốc xếp, với mức lương 4 triệu bao ăn bao ở. Trong một lần giao hàng ra Phan Thiết (quê của Út), Út có gạ gẫm chồng tôi mua bò, bảo là bò của người quen nên bán với giá rẻ. Lần thứ hai chồng tôi cũng mua thêm một con nữa theo lời giới thiệu của Út và đã thanh toán đầy đủ. Út có xin nghỉ về quê một thời gian để chăm anh trai và quản lý sổ sách giúp anh trai do anh Út đang nằm viện, được khoảng một tuần thì Út có gọi điện báo chồng tôi là có bò người quen bán với giá rẻ, nhưng lúc đó chồng tôi lại có việc bận. Khoảng 1 tuần sau đó, Út lại gọi điện bảo chồng tôi vào Phan Thiết chở bò. Ra đến nơi thì không thấy bò, Út có dắt chồng tôi đi nhậu rồi đi karaoke và ngủ lại quán cà phê, tới trưa hôm sau, Út lại gọi bảo chồng tôi vào chở bò. Chồng tôi mua tổng cộng là 7 con bò. Chồng tôi có đưa trước cho Út 30 triệu và hứa vài bữa nữa sẽ thanh toán hết cho Út, thế nhưng tới tối hôm sau Út lại gọi điện đe dọa là nếu không trả sẽ giết hết gia đình tôi. Tôi có gọi điện bảo cho ông em rể thì được báo lại là Út bị người ta đòi tiền nên ức quá mới gọi điện cho vợ chồng tôi chửi. Trong thời gian mua bò, tôi bị bệnh và mẹ chồng tôi cũng già yếu nên không chăm nuôi được số bò. Tôi được người ta giới thiệu nên đã bán hết được số bò. Tổng cộng là 3 lần bán. Khi bán hết số bò đó thì tôi đọc được tin là Út bị bắt về tội trộm cắp bò và vài ngày sau, gia đình tôi bị công an gọi lên làm việc. Lúc mua bò, vợ chồng tôi đều không hề biết đó là bò đi ăn cắp. Công an đã tịch thu toàn bộ số bò, giữ xe của gia đình tôi vì xe đó chở bò và yêu cầu tôi giao nộp số tiền đã bán bò được. Những người mua bò của nhà tôi thì đòi nhà tôi phải hoàn trả lại tiền họ đã bỏ ra mua bò. Sô tiền mà vợ chồng tôi bỏ ra để mua bò và bán bò chỉ lời được có 500 ngàn và số tiền đó tôi đã đóng cho ngân hàng, vì tôi mua xe trả góp, chiếc xe bị tạm giữ cũng mua trả góp, mỗi tháng phải đóng 35 triệu. Xe đó là phương tiện chính làm ra tiền cho gia đình.
Luật sư cho tôi hỏi là vợ chồng tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Vợ chồng tôi có phải giao nộp số tiền bán bò cho công an hay không? Có phải trả lại tiền cho bên mua bò hay không? Chiếc xe bị công an giữ có thể lấy ra sớm được hay không? 
Người gửi: Nguyễn Thị Lành
th 1

Tư vấn luật: 1900 6589

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;
Bộ luật dân sự năm 2015.

2/ Hậu quả pháp lý từ việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình

Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: 
1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật” 
Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu
Xét thấy, do vào thời điểm mua bán bò với anh Út, vợ chồng bạn không hề biết số bò mua được là bò ăn cắp được mà có nên chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên thì vợ chồng bạn được xem là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. 
Như vậy, vợ chồng bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi vợ chồng bạn không hề biết việc anh Út ăn cắp bò và bản thân vợ chồng bạn cũng đã bị mua phải bò đi ăn cắp. Chiếc xe mà vợ chồng bạn bị giữ tại cơ quan công an sẽ được trả lại, bởi chiếc xe đó không phải là phương tiện giúp anh Út thực hiện hành vi trộm cắp theo ý chí của vợ chồng bạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp
Tiếp đó, Điều 167 Bộ Luật dân sự năm 2015 có quy định:
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu
Hợp đồng mua bán bò giữa chồng bạn và anh Út là hợp đồng có đền bù, mà đối tượng của hợp đồng ở đây là 7 con bò – là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu. Khi đó, chủ sở hữu thực chất của số bò trên sẽ có quyền đòi lại số bò của mình đã bị lấy cắp thông qua việc trình báo với cơ quan Công an.  
Về số tiền vợ chồng bạn có được từ việc bán bò: 
Có thể khẳng định rằng, công an không có quyền bắt bạn giao nộp số tiền bán bò mà chỉ có quyền yêu cầu anh Út giao nộp số tiền từ việc bán bò cho vợ chồng bạn, căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009
1. Việc  tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;
c) Vật  thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
   […] 3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước
Tuy nhiên, vợ chồng bạn phải bồi thường cho bên mua số bò của vợ chồng bạn do quyền của bên mua trong hợp đồng mua bán bò được kí kết không được bảo đảm. Khi đó bạn có thể dùng số tiền mà anh Út bồi thường cho gia đình bạn và thỏa thuận với bên mua bán bò với vợ chồng bạn để thực hiện nghĩa vụ này. 
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về vấn đề Hậu quả pháp lý từ việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Phạm Nhung 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Hậu quả pháp lý từ việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp lý nhưng ngay tình
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề