Hoạt động công chứng, chứng thực

Tóm tắt câu hỏi:

Hoạt động công chứng, chứng thực

Thưa Luật sư, em có 1 vấn đề mong muốn Luật sư có thể tư vấn giúp em. Em rất hay được nghe mọi người nói ra phường làm công chứng, chứng thực giấy tờ này giấy tờ kia. Em chỉ thắc mắc công chứng, chứng thực có phải là một không? Nếu không thì có thể phân biệt giúp em được không? Em xin cảm ơn.

Người gửi: Hồng Anh (Thái Bình)

luat viet phong 17020818560775530 29

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Luật Công chứng số 53/2014/QH13;

– Nghị định số 23/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 02 năm 2015 quy định Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2/ Phân biệt hoạt động công chứng, chứng thực

Công chứng, chứng thực là hai hoạt động khác biệt nhau, tuy nhiên trên thực tế nhiều người vẫn lầm tưởng 2 hoạt động này là một. Chúng thường được gọi chung bởi lẽ công chứng và chứng thực đều là hai hoạt động chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch. Để hiểu rõ hơn về bản chất của hai hoạt động công chứng, chứng thực, sau đây chúng tôi xin đưa ra một vài tiêu chí so sánh giúp bạn phân biệt được hai hoạt động này:

a, Khái niệm

– Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 định nghĩa Công chứng như sau: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

– Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ định nghĩa về Chứng thực như sau: Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

b, Chủ thể thực hiện

Công chứng: Công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng (Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014); Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Điều 78 Luật Công chứng 2014).

Chứng thực: Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

c, Đối tượng của hoạt động

Công chứng: Hợp đồng, giao dịch dân sự khác; Bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Chứng thực: Cấp bản sao từ sổ gốc; Chứng thực bản sao từ bản chính; Hợp đồng, giao dịch; Chữ ký trong giấy tờ, văn bản; Chữ ký của người dịch.

d, Phạm vi của hoạt động

Công chứng: Công chứng viên khi thực hiện hoạt động công chứng phải chịu trách nhiệm cả nội dung và hình thức của hợp đồng, giao dịch, bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại.

Chứng thực: Chỉ chứng thực về mặt hình thức của các đối tượng được chứng thực, cụ thể như sau:

+ Hợp đồng, giao dịch: Thời gian, địa điểm giao kết; năng lực, hành vi dân sự, ý chí tự nguyện của các bên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

+ Bản sao: Chứng thực tính chính xác của bản sao đúng với bản chính (sao y bản chính).

+ Chữ ký: Chứng thực tính xác thực của chữ ký là đúng với chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

e, Giá trị pháp lý

Công chứng: Căn cứ Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định Giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: 

“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.”

Chứng thực: Căn cứ Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:

“1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.”

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về hoạt động công chứng, chứng thực. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Hoạt động công chứng, chứng thực
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề