Hợp đồng truyền thống khác hợp đồng điện tử ở những điểm nào?

Posted on Tư vấn luật dân sự 756 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi

Xin chào văn phòng Luật Việt Phong.
Em có một vài thắc mắc về pháp luật mong anh chị tư vấn giúp em.
1/ Hình thức bằng văn bản có đăng ký là gì? 
2/Hợp đồng truyền thống khác hợp đồng điện tử ở những điểm nào?
3/ Hệ quả pháp lý khi hợp đồng vi phạm về hình thức? (Thời hạn tuyên bố vô hiệu, thời hiệu tuyên bố vô hiệu)
Rất mong anh chị tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

Người gửi: An Nhiên
hop dong 17101110080645114 1

Luật sư tư vấn 

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Giao dịch điện tử 2005.

2/ Một số điểm khác nhau về hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử? 

a/ Hình thức bằng văn bản có đăng kí là gì?
Hình thức của văn bản được quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”

Từ quy định này thì hình thức của giao dịch có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Hình thức viết (bằng văn bản): Các cam kết của các bên trong hợp đồng sẽ được ghi nhận lại bằng một văn bản. Trong văn bản đó các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và cùng kí tên xác nhận vào văn bản, thông thường hợp đồng được lập thành nhiều bản và mỗi bên giữ một bản.
Căn cứ vào văn bản hợp đồng các bên dễ dàng thực hiện quyền của mình và thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia vì vậy bản hợp đồng đó coi như là một bằng chứng, chứng minh quyền dân sự của mình.
Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý vững chắc hơn so với hình thức miệng vì vậy trong thực tế những giao dịch quan trọng, có giá trị lớn hoặc những giao dịch có tính “nhạy cảm” đối với những đối tượng và người giao kết “nhạy cảm” thì nên thực hiện bằng hình thức văn bản và tốt nhất là nên có công chứng nếu có điều kiện.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chỉ trong những trường hợp có quy định của pháp luật về loại giao dịch nào đó phải tuân theo những hình thức nhất định và hình thức đó là điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì hình thức của giao dịch mới trở thành một điều kiện bắt buộc để giao dịch đó có hiệu lực.
b/ Sự khác nhau giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống
Theo quy định của Pháp luật dân sự hiện hành thì Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng có thể được giao kết dưới dạng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên các bên giao kết hợp đồng truyền thống phải trực tiếp gặp mặt nhau rồi mới đi đến kí kết hợp đồng.
Còn đối với hợp đồng điện tử được quy định tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 như sau: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này” 
Về nguyên tắc thì các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Hợp đồng điện tử cũng có nhiều điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống về các nội dung như sau:
Thứ nhất, về các chủ thể tham gia vào việc giao kết hợp đồng điện tử:
Trong giao dịch điện tử, ngoài các chủ thể tham gia vào giao kết như đối với thương mại truyền thống (người bán, người mua,…) đã xuất hiện các bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử. Đó là các nhà cung cấp các dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Những bên thứ ba này có nhiệm vụ chuyển đi, lữu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, đồng thời họ cũng có thể đóng vai trò trong việc xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.
Với đặc thù được giao kết dưới dạng phi giấy tờ, việc giao kết hợp đồng điện tử sẽ gặp rủi ro nếu không có các nhà cung cấp dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm duy trì hệ thống mạng (mạng nội bộ của doanh nghiệp cũng như mạng quốc gia) luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt với cơ chế 24/24 giờ. Hệ thống mạng trục trặc lập tức sẽ ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng điện tử. Cơ quan chứng thực chữ ký điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tạo ra được một cơ chế sao cho các hợp đồng điện tử không thể bị giả mạo và không thể bị phủ nhận khi tranh chấp phát sinh.
Những người thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Họ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Thứ hai, về nội dung của hợp đồng: hợp đồng điện tử có một số điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống:
+ Địa chỉ pháp lý: ngoài địa chỉ pháp lý thông thường (địa chỉ bưu điện) hợp đồng điện tử còn có địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi, ngày giờ gửi thông điệp dữ liệu,… Những địa chỉ này có ý nghĩa rất lớn để xác định tính hiện hữu, sự tồn tại thật sự của các bên giao kết hợp đồng với tư cách là chu thể của việc giao kết hợp đồng điện tử.
+ Các quy định về quyền truy cập, cải chính thông tin điện tử. Ví dụ như việc thu hồi hay hủy một đề nghị giao kết hợp đồng trên mạng Internet.
+ Các quy định về chữ ký điện tử hay một cách thức khác như mật khẩu, mã số,… để xác định được các thông tin có giá trị về các chủ thể giao kết hợp đồng.
+ Việc thanh toán trong các hợp đồng điện tử cũng thường được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Vì vậy, trong hợp đồng điện tử thường có những quy định chi tiết về phương thức thanh toán điện tử. Ví dụ: thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền điện tử, ví điện tử,…
Thứ ba, về quy trình giao kết hợp đồng điện tử:
Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hợp đồng điện tử với hợp đồng truyền thống. Một hợp đồng truyền thống, đặc biệt là hợp đồng thương mại truyền thống, sẽ được giao kết bằng việc các bên gặp trực tiếp nhau hay trao đổi với nhau bằng các phương tiện “giấy tờ”, “vật chất” và ký bằng chữ ký tay. Còn một hợp đồng điện tử sẽ được giao kết bằng phương tiện tử và hợp đồng sẽ được “ký” bằng chữ ký điện tử. Hai phương thức giao kế hoàn toàn khác nhau sẽ làm phát sinh những điểm khác biệt lớn liên quan đến quy trình giao kết: việc xác định thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử sẽ trở nên khó khăn hơn so với hợp đồng truyền thống vì thời điểm “gửi” và “nhận” một thông điệp dữ liệu (chính là một chào hàng hay một chấp nhận chào hàng) trở nên khó xác định trong môi trường điện tử.
Thứ tư, về luật điều chỉnh:
Về mặt pháp lý, ngoài các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng cho cả hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử, do tính chất đặc thù của hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử và do những vấn đề pháp lý đặc biệt nảy sinh trong quá trình giao kết và thực hiện các hợp đồng điện tử, mà loại hợp đồng này thường còn phải được điều chỉnh bởi một hệ thống quy phạm pháp luật đặc thù, dành riêng cho hợp đồng điện tử. Ngày nay, ở nhiều nước, bên cạnh các đạo luật về hợp đồng truyền thống, người ta đã phải ban hành Luật Giao dịch điện tử, Luật về Giao kết hợp đồng điện tử, Luật về Thương mại điện tử, Luật về Chữ ký điện tử,…
c/ Hệ quả pháp lý khi hợp đồng vi phạm về hình thức? (Thời hạn tuyên bố vô hiệu, thời hiệu tuyên bố vô hiệu)
Thứ nhất, Tại Điều 407 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Hợp đồng dân sự bị vô hiệu thì hợp đồng dân sự bị vô hiệu khi quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
Tại Điều 129 của Bộ luật này quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Vì vậy khi hợp đồng vi phạm về hình thức nếu không thuộc một trong hai trường hợp trên thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. 
Thứ hai, về hệ quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ là hệ quả pháp lí của Hợp đồng dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm các hệ quả sau:
– Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa 
vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
–  Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn
trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn
trả.
– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Thứ ba, về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nói chung và hợp đồng dân sự vô hiệu nói riêng
Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là:
“1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:
a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.”

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về vấn điểm khác nhau về hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Nguyễn Thị Quỳnh

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Hợp đồng truyền thống khác hợp đồng điện tử ở những điểm nào?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề