Không ký kết hợp đồng lao động mà bị tai nạn lao động có được hỗ trợ, bồi thường không?

Tóm tắt tình huống:

Xin chào công ty, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề tai nạn lao động.
Bố tôi làm thợ xây ở vùng quê, do ở quê làm tự do nên không có hợp đồng lao động. Cách đây nửa tháng bố tôi làm móng nhà sâu 3.5-4m thì bị lở đất, đất đè vào người bố tôi, làm bố tôi vỡ xương sụn chày khớp gối. Chủ nhà có đưa đi cấp cứu và đưa cho bố tôi 400 nghìn đồng, ông thầu xây dựng mà bố tôi làm cho có đưa 1 triệu đồng. chân bố tôi phải phẫu thuật chi phí hết hơn 10 triệu đồng, nhưng nhà tôi có mua bảo hiểm nên chi trả 2 triệu đồng. Giờ bố tôi không lao động được trong khoảng 6 tháng đến 9 tháng, bố tôi là lao động chính. từ hôm bị tai nạn ông thầu xây dựng không hỏi thăm hay có hỗ trợ gì thêm. 
Xin hỏi công ty, với thiệt hại như vậy gia đình tôi có được yêu cầu hỗ trợ hay bồi thường không.
Xin chân thành cảm ơn!!!
Người gửi: Trần Xuân Hoạt
sap nha

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến luật Việt Phong. Về vấn đề của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn giúp bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2012;
– Bộ luật Dân sự 2015.

2. Không ký kết hợp đồng lao động mà bị tai nạn lao động có được hỗ trợ, bồi thường không?

Theo Bộ luật Lao động 2012 quy định về hợp đồng lao động tại một số điều như sau:
Điều 15 định nghĩa về hợp đồng lao động: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”
Điều 16 quy định về Hình thức hợp đồng lao động: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Trong trường hợp bạn nêu ra, thông tin chưa đầy đủ để xác định chính xác giữa bố bạn và chủ thaiaf có mối quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động không vì thế chia làm hai trường hợp:
Trường hợp 1: Giả định công việc của bố bạn có thời hạn dưới 3 tháng thì bố bạn và chủ thầu có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói theo khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012. Hợp đồng lời nói này giữa bố bạn và chủ thầu phải đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 đó là có phải có sự thoả thuận về lương, điều kiện làm việc, và một số vấn đề khác. Như vậy bố bạn và chủ thầu được coi là đã giao kết hợp đồng lao động với nhau. Lúc này chủ thầu là người sử dụng lao động và bố bạn là người lao động.
Theo khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định về tai nạn lao động như sau: 
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Theo đó trường hợp bố bạn bị đất đè vào người làm gẫy xương sụn, chầy khớp gối khi làm móng nhà được coi là tai nạn lao động.
Bố bạn và chủ thầu có hợp đồng được giao kết miệng thì khi bị tai nạn lao động bố bạn vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Theo Điều 144 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. 
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”
Điều 145 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. 
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. 
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”
Trường hợp này, bố bạn và chủ thầu đã giao kết hợp đồng miệng có thời hạn dưới ba tháng thì bố bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chủ thầu cũng không đóng bảo hiểm nên bố bạn sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động từ cơ quan bảo hiểm xã hội và chủ thầu cũng không phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì không rõ nguyên nhân bố bạn bị tai nạn lao động là do lỗi của bố bạn hay do lỗi của sự cố trang thiết bị của chủ thầu hoặc do bên nào khác và tình trạng sức khoẻ của bố bạn hiện nay chưa xác định được mức độ tổn hại cụ thể, bạn cũng không đưa ra mức lương hàng tháng của bố bạn nên chưa thể xác mức bồi thường cụ thể mà bên chủ thầu phải bồi thường. Do đó, tùy thuộc vào mức độ suy giảm sức khỏe của bố bạn cũng như lỗi để xảy ra tai nạn lao động thuộc về ai sau đó bạn có thể tham khảo những điều luật trên để xem mức bội thường mà bố bạn được hưởng là bao nhiêu.
Theo đó, bố bạn cần giám định mức độ suy giảm khả năng lao động, giấy tờ liên quan đến việc nằm viện và điều trị của bố bạn để yêu cầu người sử dụng lao là chủ thầu động bồi thường một cách thỏa đáng.
Trường hợp 2: Bố bạn làm việc trên ba tháng và không có hợp đồng lao động bằng văn bản được ký kết theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 về Hình thức hợp đồng lao động: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”  Trong trường hợp này, kể cả bố bạn và chủ thầu có thoả thuận miệng thì đó cũng không được coi là hợp đồng có hiệu lực do vi phạm về hình thức hợp đồng tại điều 16 ở trên. Như vậy sẽ không phát sinh quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động của bố bạn và chủ thầu. Lúc này gia đình bạn cần xác định được nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đó là do ai thì yêu cầu người đó bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: 
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo đó người có lỗi đã có hành vi xâm phạm sức khoẻ của bố bạn và gây thiệt hại cụ thể là khiến bố bạn bị gẫy xướng sụn và chày khớp gối. Như vậy bên có lỗi sẽ phải bồi thường cho bố bạn.
Theo Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
Do thiệt hại của bố bạn là thiệt hại về sức khoẻ vì vậy theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về xác định thiệt hại trong trường hợp Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Theo đó bố bạn và bên gây thiệt hại có thể thoả thuận về mức bồi thường sao cho phù hợp với pháp luật. Nếu không thoả thuận được hoặc bên có lỗi không đồng ý bồi thường thì bố bạn có thể gửi đơn kiện ra toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên cần gửi đơn trong vòng 03 năm kẻ từ ngày bố bạn biết về việc mình được bồi thường theo quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 về Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại như sau: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Không ký kết hợp đồng lao động mà bị tai nạn lao động có được hỗ trợ, bồi thường không?. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Bảo Linh

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Không ký kết hợp đồng lao động mà bị tai nạn lao động có được hỗ trợ, bồi thường không?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề