Làm thế nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào Luật Sư công ty luật Việt Phong, tôi muốn hỏi về trường hợp chia thừa kế đất đai do cha mẹ tôi để lại cụ thể như sau: Bố mẹ tôi sinh được 2 anh em trai, tôi là con út. Bố tôi là liệt sỹ chống Mỹ đã hy sinh năm 1968. Mẹ tôi bị tai nạn giao thông chết tại chỗ vào năm 1975. Bố mẹ tôi mất sớm nên không có di chúc để lại. Tài sản của bố mẹ tôi để lại cho anh em tôi là hai mảnh đất. Mỗi anh em sinh sống trên một mảnh. Từ khi mẹ tôi mất anh em tôi vẫn hòa thuận không có biểu hiện gì về tranh chấp và cũng không một lần nào anh tôi nhắc đến đất của bố mẹ. Đến năm 2012, xã có chỉ thị ai chưa có sổ đỏ thì ra khai, lúc đó tôi mới biết anh tôi làm sổ đỏ rồi, anh ấy làm lúc nào tôi cũng không hay, hai mảnh đất lại cùng chung một sổ đỏ đứng tên anh tôi hết. Cho đến thời điểm hiện nay đã qua bao nhiêu năm rồi mà anh ấy không chịu tách sổ đỏ cho tôi, cũng có thể là anh ấy có âm mưu chiếm đoạt tất cả. Tôi xin hỏi luật sư là bố mẹ mất không có di chúc mà anh trai tôi lại làm được sổ đất ở chỉ đứng tên anh ấy mà không có sự đồng ý tôi vậy có được coi là phạm pháp không? Và cuốn sổ đó có được coi là không có giá trị pháp lý không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi cách giải quyết đòi lại phần đất xứng đáng thuộc về mình. Xin cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Hồng Hà (Hưng Yên)

Làm thế nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của anh, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho anh như sau:

1/ Căn cứ pháp lý.

– Bộ luật dân sự năm 2005;

– Luật đất đai năm 2003;

2/ Làm thế nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?

Thứ nhất, về điều kiện hưởng thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Điều 675, Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận một số trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.

Theo đó, bố mẹ anh mất không để lại di chúc chia tài sản cho các con. Vậy nên, hai anh em anh có thể được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Mặt khác, căn cứ tại Điều 676, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Như vậy, hai anh em anh đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất do đó cùng được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau.

Thứ hai, Khi nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?

 Như đã trình bày ở trên, anh thuộc diện hưởng thừa kế tài sản mà bố mẹ anh để lại. Tuy nhiên, để được hưởng quyền sử dụng đất diện tích bố mẹ anh để lại đó, anh phải chứng minh được quyền sử dụng đất mà hai anh em anh đang ở là của bố mẹ anh.

Nếu có căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất mảnh đất trên là của bố mẹ anh, anh trai anh không có bất kỳ các loại giấy tờ gì liên quan đến việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ mẹ anh hay được mẹ anh tặng cho mà anh trai anh tự ý đi đăng ký đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì anh có thể yêu cầu anh trai trả lại diện tích đất thuộc quyền thừa kế của mình. Nếu anh trai anh không tự nguyện trả lại anh có thể nộp đơn khởi kiện anh trai anh theo thủ tục tố tụng dân sự đòi lại quyền sử dụng đất mà anh được hưởng. Hoặc khởi kiện cơ quan hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho anh trai anh theo thủ tục tố tụng hành chính để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong trường hợp không có giấy tờ gì chứng minh diện tích đất trên là của bố mẹ anh. Và cũng không có giấy tờ gì chứng minh anh trai anh là người hợp pháp được hưởng diện tích đất trên của bố mẹ anh. Nếu thời điểm anh trai anh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực thì căn cứ theo Điều 50 của Luật này có quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

5. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

6. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.

7. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

8. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng và không có tranh chấp”.

Theo đó, anh trai anh có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mảnh đất anh trai anh đang ở. Còn đối với mảnh đất anh đang ở anh trai anh không đủ điều kiện để được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, anh cũng có thể đòi lại quyền lợi của mình bằng cách khởi kiện anh trai anh theo quy định của Luật tố tụng dân sự hoặc khởi kiện cơ quan hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh trai anh.

như vậy, anh có thể đòi lại quyền sử dụng đất – tài sản bố mẹ anh để lại mà anh trai anh đang đứng tên khi anh trai anh không có các giấy tờ hợp pháp chứng minh anh trai đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 mảnh đất mà bố mẹ anh để lại.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về việc làm thế nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Làm thế nào đòi lại quyền sử dụng đất do người khác đứng tên?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề