Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015

Posted on Luật 195 lượt xem

QUỐC HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Luật số: 78/2015/QH13

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2015

 

LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Căn cứHiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốchội ban hành Luật nghĩa vụ quân sự.

ChươngI

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điềuchỉnh

Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan,tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Điều 2. Đối tượngáp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đếnnghĩa vụ quân sự.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là độ tuổi công dân thực hiệnnghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

2. Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sựcủa công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Nhập ngũ là việc công dân vào phục vụ có thời hạn trong lực lượngthường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

4. Xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũtrong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

5. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lựclượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

6. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân đã đăng kýphục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

7. Giải ngạch dự bị là chuyển hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị ra khỏi lựclượng dự bị của Quân đội nhân dân.

8. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấphành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng độngviên, sẵn sàng chiến đấu.

Điều 4. Nghĩa vụquân sự

1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trongQuân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụtrong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệtdân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp,nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tạingũ.

4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoànthành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ,trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;

b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trởlên;

c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên,đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phụcvụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề ándo Thủ tướng Chính phủ quyết định;

đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Điều 5. Trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viênvà tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Điều 6. Nghĩa vụphục vụ tại ngũ

1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phụcvụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.

2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bìnhnếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Điều 7. Nghĩa vụphục vụ trong ngạch dự bị

1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phụcvụ trong ngạch dự bị bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Hết độ tuổi gọi nhập ngũ nhưng chưa phục vụ tại ngũ;

b) Thôi phục vụ tại ngũ;

c) Thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghềchuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.

Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn tại khoản này.

Điều 8. Chức vụ, cấpbậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ:

a) Phó trung đội trưởng và tương đương;

b) Tiểu đội trưởng và tương đương;

c) Phó tiểu đội trưởng và tương đương;

d) Chiến sĩ.

2. Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ:

a) Thượng sĩ;

b) Trung sĩ;

c) Hạ sĩ;

d) Binh nhất;

đ) Binh nhì.

3. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được phong,thăng cấp bậc quân hàm tương ứng với chức vụ; có thành tích xuất sắc trong thựchiện nhiệm vụ thì được thăng quân hàm trước thời hạn; có thành tích đặc biệt xuấtsắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phong, thăng, giáng, tước cấp bậcquân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; quy định chức vụ tương đươngvà cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ quy định tạikhoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 9. Quyền vànghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãiphù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:

a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộnghòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hộichủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;

c) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tínhmạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninhquốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

d) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luậtcủa Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;

đ) Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnhchính trị, bản lĩnh chiến đấu.

Điều 10. Các hànhvi bị nghiêm cấm

1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩquan, binh sĩ.

Chương II

ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ QUẢN LÝ CÔNG DÂNTRONG ĐỘ TUỔI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Điều 11. Nguyên tắcđăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụquân sự

1. Đúng đối tượng, trình tự thủ tục, chế độ chính sách theo quy định củapháp luật.

2. Thống nhất, công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân.

3. Quản lý chặt chẽ, nắm chắc số lượng, chất lượng, nhân thân của côngdân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

4. Mọi thay đổi về cư trú của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụquân sự phải được đăng ký và quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Đối tượngđăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trởlên.

Điều 13. Đối tượngkhông được đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng kýnghĩa vụ quân sự:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cảitạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa đượcxóa án tích;

b) Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đâygọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc,cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này,công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 14. Đối tượngmiễn đăng ký nghĩa vụ quân sự

Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãntính theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Cơ quanđăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự chocông dân cư trú tại địa phương.

2. Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩavụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báocáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vịhành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặttrụ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thìngười đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệmtổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.

Điều 16. Đăng kýnghĩa vụ quân sự lần đầu

1. Tháng một hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã,người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báocáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong nămvà công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụquân sự.

2. Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnhgọi công dân quy định tại khoản 1 Điều này để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

3. Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tạicơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 15 của Luật này.

Điều 17. Đăng ký nghĩavụ quân sự bổ sung; khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; tạm vắng;đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

1. Đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung:

Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi chức vụ công tác,trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác cóliên quan đến nghĩa vụ quân sự phải đăng ký bổ sung tại cơ quan đăng ký nghĩa vụquân sự.

2. Đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, họctập:

a) Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơilàm việc, học tập phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyểnđăng ký nghĩa vụ quân sự; trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơicư trú hoặc nơi làm việc, học tập mới phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sựđể đăng ký chuyển đến;

b) Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi vào học tập tại các trườngthuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dụcquốc dân phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăngký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyểnđăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơsở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự vàchuyển đăngký nghĩa vụ quân sự.

3. Đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng:

Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơilàm việc, học tập từ 03 tháng trở lên phải đến nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự đểđăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng; khi trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, họctập trong thời hạn 10 ngày làm việc phải đăng ký lại.

4. Công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến được đăng kýtheo quy định của Chính phủ.

Điều 18. Đăng kýphục vụ trong ngạch dự bị

1. Công dân nam quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 của Luật này.

2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này.

3. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộcmột trong các trường hợp sau đây:

a) Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ;

b) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thôi phục vụtrong Quân đội nhân dân và thôi phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển;

c) Công dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

Điều 19. Đưa ra khỏidanh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sựtrongtrường hợp sau đây:

a) Chết;

b) Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;

c) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 hoặc Điều 14 củaLuật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có xác nhận của cấp có thẩm quyền,Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có công dân quy định tại khoản 1Điều này phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định.

Điều 20. Trách nhiệm,quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quảnlý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn việcđăng ký nghĩa vụ quân sự, quy định hệ thống mẫu biểu đăng ký nghĩa vụ quân sự,chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra việc đăng ký nghĩa vụ quân sự; quản lý công dântrong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; xây dựng và quản lý thống nhất cơ sởdữ liệu nghĩa vụ quân sự.

3. Ủyban nhân dân các cấp có tráchnhiệm chỉ đạo thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trongđộ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạncó trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự và cấp giấy chứng nhậnđăng ký nghĩa vụ quân sự;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan quản lý công dân trong độ tuổithực hiện nghĩa vụ quân sự.

5. Cơ quan công an cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạncó trách nhiệm:

a) Kịp thời thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp nơi công dântrong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang cư trú về việc họ bị truy cứutrách nhiệm hình sự;

b) Thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp thay đổi về nơi thườngtrú, tạm vắng, tạm trú, lưu trú của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụquân sự để quản lý việc đăng ký nghĩa vụ quân sự;

c) Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương và cơ quan liên quan khác kiểmtra, xử lý những người vi phạm quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

6. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấpthực hiện quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổithực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chương III

PHỤC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ TẠI NGŨ VÀ HẠSĨ QUAN, BINH SĨ DỰ BỊ

Mục 1: PHỤC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ TẠINGŨ

Điều 21. Thời hạnphục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là24 tháng.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tạingũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trườnghợp sau đây:

a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứunạn.

3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tìnhtrạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnhtổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Điều 22. Cách tính thờigian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngàygiao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết địnhxuất ngũ.

2. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giamkhông được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.

Điều 23. Phục vụ củahạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiệnnghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu củaquân đội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ hoặc đang phụcvụ trong ngạch dự bị có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của quân đội, nếu tự nguyệnvà quân đội có nhu cầu thì được tuyển chọn chuyển sang phục vụ theo chế độ củasĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng theo quyđịnh của pháp luật.

Mục 2: PHỤC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ DỰ BỊ

Điều 24. Hạng của hạsĩ quan, binh sĩ dự bị

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạngmột và binh sĩ dự bị hạng hai.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một:

a) Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã qua chiến đấu;

c) Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân, đã có thờigian phục vụ từ 20 tháng trở lên;

d) Công dân nam là quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ;

đ) Công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từhạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc;

e) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ,trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực hoặc đãqua huấn luyện tập trung đủ 03 tháng trở lên;

g) Công dân là binh sĩ dự bị hạng hai đã qua huấn luyện tập trung đủ 06tháng trở lên;

h) Công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36tháng trở lên.

3. Binh sĩ dự bị hạng hai:

a) Công dân nam là binh sĩ xuất ngũ, đã phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng;

b) Công nhân, viên chức quốc phòng không thuộc đối tượng quy định tại điểmđ khoản 2 Điều này đã thôi việc;

c) Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân đã có thời gian phụcvụ dưới 12 tháng;

d) Công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ chưa phục vụ tại ngũ và thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

đ) Công dân nữ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại khoản 2 Điều12 của Luật này.

Điều 25. Độ tuổi phụcvụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

Độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy địnhnhư sau:

1. Công dân nam đến hết 45 tuổi;

2. Công dân nữ đến hết 40 tuổi.

Điều 26. Nhóm tuổiphục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

1. Tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hai nhómnhư sau:

1. Nhóm A: Công dân nam đến hết 35 tuổi, công dân nữ đến hết 30 tuổi;

2. Nhóm B: Công dân nam từ 36 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ 31 tuổiđến hết 40 tuổi.

Điều 27. Huấn luyện,diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối vớihạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một:

a) Phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵnsàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12tháng;

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạngmột được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵnsàng chiến đấu hằng năm;

c) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòngquyết định phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thờigian huấn luyện của mỗi lần; giữa các lần huấn luyện, được gọi hạ sĩ quan, binhsĩ dự bị tập trung để kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trongthời gian không quá 07 ngày; trường hợp cần thiết được quyền giữ hạ sĩ quan,binh sĩ dự bị ở lại huấn luyện thêm không quá 02 tháng nhưng tổng số thời giankhông vượt quá thời gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Việc huấn luyện đối với binh sĩ dự bị hạng hai do Chính phủ quy định.

Điều 28. Kiểm trasức khỏeđối vớihạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã biên chế vào đơn vị dự bị động viên trướckhi tập trung huấn luyện, diễn tập được kiểm tra sức khỏe.

2. Ủyban nhân dân cấp huyện chỉ đạophòng y tế phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra sức khỏeđối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

Điều 29. Giải ngạchdự bị

Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hết độ tuổi hoặc không còn đủ sức khỏephục vụ trong ngạch dự bị thì được giải ngạch theo quyết định của Chỉ huy trưởngBan Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Chương IV

NHẬP NGŨ VÀ XUẤT NGŨ TRONG THỜI BÌNH

Mục 1: GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ

Điều 30. Độ tuổi gọinhập ngũ

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổiđến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạmhoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Điều 31. Tiêu chuẩncông dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1. Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Lý lịch rõ ràng;

b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luậtcủa Nhà nước;

c) Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;

d) Có trình độ văn hóa phù hợp.

2. Tiêu chuẩn công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhândân theo quy định tại Điều 7 của Luật Công an nhân dân.

Điều 32. Công nhậnbinh sĩ tại ngũ

Công dân đến 17 tuổi, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội nhândân, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đang học tập tại nhà trườngquân đội thì được công nhận là binh sĩ tại ngũ.

Điều 33. Số lần, thời điểmgọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong năm

Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công annhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốcphòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham giaCông an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnhnguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ thamgia Công an nhân dân.

Điều 34. Thẩm quyềnquyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công annhân dân

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian, số lượng gọi công dân nhậpngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đối với tỉnh, thành phố trựcthuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); quyết định gọi công dân nhậpngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai; quyết định điềuchỉnh số lượng, thời gian gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham giaCông an nhân dân đối với cấp tỉnh theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốcphòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng gọi công dân nhập ngũ và thựchiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho đơn vị thuộc quyền ở từng địaphương cấp tỉnh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao số lượnggọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địaphương cấp huyện.

4. Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện, Giám đốc Công ancấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy bannhân dân cùng cấp trong việc giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địa phương cấp huyện, cấp xã và cơ quan,tổ chức trên địa bàn; chỉ đạo tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụtham gia Công an nhân dân.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao số lượnggọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địaphương cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; quyết định danh sách công dân gọinhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo đề nghị của Hội đồngnghĩa vụ quân sự cùng cấp.

6. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng côngdân nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩavụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi nhập ngũ, gọi thực hiện nghĩa vụ thamgia Công an nhân dân phải được giao cho công dân trước thời gian ghi tronglệnh 15 ngày.

Điều 35. Trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thựchiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1. Ủyban nhân dân các cấp, cơ quan,tổ chức có trách nhiệm thực hiện tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đủ sốlượng, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian theo quy định của pháp luật; bảo đảmcho công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dâncó mặt đúng thời gian, địa điểm.

2. Ủyban nhân dân cấp huyện có tráchnhiệm tổ chức giao công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham giaCông an nhân dân cho các đơn vị nhận quân và tổ chức lễ giao nhận quân theođúng quy định.

3. Ủyban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổchức có trách nhiệm công khai số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ;danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công annhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham giaCông an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ tại trụ sởỦyban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức.

4. Đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dâncác cấp thực hiện việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụtham gia Công an nhân dân.

5. Công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công annhân dân phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh; trường hợp cólý do chính đáng mà không thể đến đúng thời gian, địa điểm thì phải có xác nhậncủa Ủyban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tậpvà báo cáo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Trưởng Công an cấp huyện.

Điều 36. Hội đồngnghĩa vụ quân sự

1. Ủyban nhân dân các cấp thành lậpHội đồng nghĩa vụ quân sự để giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiệnpháp luật về nghĩa vụ quân sự.

2. Thành phần của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp:

a) Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh, cấp huyện gồm:

Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấptỉnh, cấp huyện;

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Chỉ huy trưởng cơquan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện;

Phó Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Giám đốc Công an cấp tỉnh, TrưởngCông an cấp huyện;

Các ủy viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự là người đứng đầu Ủy banMặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sảnHồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiếnbinh Việt Nam và một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân do Chủ tịchỦyban nhân dân cùng cấp quyết định;

b) Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã gồm:

Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Chỉ huy trưởng Banchỉ huy quân sự;

Phó Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự là Trưởng Công an;

Các ủy viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự là người đứng đầu Ủy banMặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệpphụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Y tế; công chức tư pháp – hộ tịch,tài chính – kế toán và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy bannhân dân quyết định.

3. Hội đồng nghĩa vụ quân sự làm việc theo nguyên tắc tập thể; chịutrách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc thực hiệnnghĩa vụ quân sự tại địa phương; nghị quyết của Hội đồng phải được quá nửa tổngsố thành viên biểu quyết tán thành.

Điều 37. Nhiệm vụ củaHội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc cơ quan,tổ chức thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổithực hiện nghĩa vụ quân sự; chuẩn bị cho công dân phục vụ tại ngũ, kế hoạch tuyểnchọn gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; huấnluyện hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và thực hiện các chế độ, chính sách đối với hạsĩ quan, binh sĩ trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nghĩavụ quân sự cấp huyện.

2. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và giải quyếtkhiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quânsự.

Điều 38. Nhiệm vụcủa Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tuyển chọncông dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; chỉ đạo Ủy bannhân dân cấp xã tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự vàchỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã.

2. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công dânđược gọi nhập ngũ, tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, miễn thực hiệnnghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức bàn giao công dân được gọinhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho các đơn vị quân đội,cảnh sát biển và công an; tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổchức liên quan trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và quản lýcông dân trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương.

5. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, giải quyếtkhiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quânsự.

Điều 39. Nhiệm vụ củaHội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến phápluật về nghĩa vụ quân sự; tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và khámsức khỏe.

2. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và Hội đồng nghĩa vụquân sự cấp huyện danh sách công dân được gọi nhập ngũ, tạm hoãn gọi nhập ngũ,miễn gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

3. Tổ chức cho công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụtham gia Công an nhân dân; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, lệnh kiểmtra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổ chứcliên quan trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và quản lý côngdân trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương.

5. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết khiếunại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

Điều 40. Khám sứckhỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lậpHội đồng khám sức khỏe theo đề nghị của phòng y tế cùng cấp.

2. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏecho công dân trong diện gọi nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi khámsức khỏe cho công dân trong diện gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhândân. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sứckhỏe 15 ngày.

3. Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dântrong diện gọi nhập ngũ và gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;trường hợp cần thiết, quyết định việc xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm xét nghiệmphát hiện ma túy, HIV; bảo đảm chính xác và chịu trách nhiệm về kếtquả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

4. Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụtham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này doThủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Kết quả phân loại sức khỏe phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy bannhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.

Mục 2: TẠM HOÃN GỌI NHẬP NGŨ VÀ MIỄN GỌI NHẬP NGŨ

Điều 41. Tạm hoãngọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ

1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sứckhỏe;

b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khảnăng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng vềngười và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy bannhân dân cấp xã xác nhận;

c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả nănglao động từ 61% đến 80%;

d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến cácxã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy bannhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đếncông tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theoquy định của pháp luật;

g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đạihọc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quythuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạocủa một trình độ đào tạo.

2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khảnăng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảmkhả năng lao động từ 81 % trở lên;

d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đếncông tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệtkhó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

3. Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điềunày, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

Công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc được miễn gọi nhậpngũ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu tình nguyện thì được xem xéttuyển chọn và gọi nhập ngũ.

4. Danh sách công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọinhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã,cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.

Điều 42. Thẩm quyềnquyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ và công nhận hoàn thànhnghĩa vụ quân sự tại ngũ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm hoãn gọinhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ đối với công dân quy định tại Điều 41 của Luậtnày.

2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định công nhậnhoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với công dân quy định tại khoản 4 Điều4 của Luật này.

Mục 3: XUẤT NGŨ

Điều 43. Điều kiệnxuất ngũ

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định tại khoản1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này thì được xuất ngũ.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khiđược Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tụcphục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1; cácđiểm a, b và c khoản 2 Điều 41 của Luật này.

Điều 44. Thẩm quyền,trách nhiệm giải quyết xuất ngũ

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xuất ngũ hằng năm đối vớihạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.

2. Chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định xuấtngũ đối với từng hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền; tổ chức lễ tiễn hạ sĩ quan,binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và bàn giao cho Ủy bannhân dân cấp huyện đã giao quân.

3. Thời gian xuất ngũ phải được thông báo trước 30 ngày cho hạ sĩ quan,binh sĩ và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi giao quân hoặc cơ quan, tổ chứcnơi làm việc, học tập trước khi nhập ngũ.

4. Ủyban nhân dân cấp huyện, cấp xã vàcơ quan, tổ chức phải tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

Điều 45. Trách nhiệmcủa hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tậptrong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự đểđăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.

Chương V

NHẬP NGŨ THEO LỆNH ĐỘNG VIÊN, XUẤT NGŨ KHIBÃI BỎ TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH HOẶC TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ QUỐC PHÒNG

Điều 46. Gọi nhậpngũ khi có lệnh động viên

Khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, việc gọi nhập ngũ thựchiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốcphòng.

Điều 47. Trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện lệnh động viên

1. Khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốcphòng lệnh đình chỉ việc xuất ngũ, nghỉ phép đối với hạ sĩ quan, binh sĩ; hạ sĩquan, binh sĩ đang nghỉ phép phải trở về đơn vị.

2. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng côngdân nhập ngũ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

3. Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghitrong lệnh gọi nhập ngũ.

4. Ủyban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổchức có trách nhiệm tổ chức để công dân chấp hành nghiêm lệnh gọi nhập ngũ.

Điều 48. Xuất ngũkhi có lệnh bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốcphòng

1. Khi có lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Thủ tướngChính phủ quyết định việc xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

2. Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết cụ thể việc xuất ngũ đối với hạ sĩquan, binh sĩ được thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật này.

Chương VI

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ NGÂN SÁCH BẢO ĐẢMTRONG VIỆC THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Điều 49. Chế độchính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểmtra sức khỏe

1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức trong thời gian thực hiệnđăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì được trảnguyên lương, tiền tàu xe và các khoản phụ cấp hiện hưởng.

2. Công dân đến đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe được bảođảm chế độ ăn, ở trong thời gian thực hiện đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe, tiềntàu xe đi, về.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Chế độ,chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân

1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:

a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lươngthực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở,phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phùhợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ,tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theoquy định của pháp luật;

b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợpnghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;

c) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quânhàm hiện hưởng hàng tháng;

d) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điềuchỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;

đ) Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;

e) Được ưu đãi về bưu phí;

g) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởngtheo quy định của pháp luật;

h) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thi được hưởngchế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;

i) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quyđịnh của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;

k) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chínhsách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viêntheo quy định của pháp luật;

l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.

2. Đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:

a) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợhoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởngchế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấpkhó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ đượcmiễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài cônglập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;

c) Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làmnhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

3. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ:

a) Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;

b) Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại cáctrường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảolưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;

c) Được trợ cấp tạo việc làm;

d) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chínhtrị, tổ chức chính trị – xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải cótrách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơntrước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thìcơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;

đ) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũtổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiềnlương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trướckhi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thểhoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩxuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theoquy định của pháp luật;

e) Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảohiểm xã hội;

g) Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều43 và khoản 1 Điều 48 của Luật này, khi về địa phương được chính quyền các cấp,cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh,tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mứclương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 51. Chế độ,chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập,kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thì bản thân và gia đình đượchưởng chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp bị thương, bị bệnh hoặc từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì bảnthân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức trong thực hiện chế độ, chính sách đối vớigia đình hạ sĩ quan, binh sĩ

Ủyban nhân dân các cấp, cơ quan,tổ chức trong phạm vi chức năng, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện chế độ,chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩdự bị.

Điều 53. Ngân sáchbảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụquân sự của bộ, cơ quan trung ương.

2. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụquân sự của cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương.

3. Kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của doanh nghiệp, tổ chứckhác do doanh nghiệp, tổ chức đó tự bảo đảm.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 54. Cơ quanquản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự trongphạm vi cả nước.

2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhànước về nghĩa vụ quân sự.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lýnhà nước về nghĩa vụ quân sự theo thẩm quyền.

Điều 55. Nhiệm vụ,quyền hạn của Bộ Quốc phòng

1. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành vănbản quy phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện nghĩa vụquân sự.

3. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quânsự.

4. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại,tố cáo về nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.

5. Tổng kết công tác thi hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

Điều 56. Nhiệm vụ,quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan quân sựcùng cấp tổ chức thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

2. Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan y tế địa phương phối hợp với cơ quan quân sựcùng cấp tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; chủ trì phối hợp với Bộ Quốcphòng để quy định về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng để chỉ đạo,hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và thực hiệnđào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội theo quyết định củaThủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện chính sách hậuphương quân đội đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ; chính sách dạynghề, việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sởgiáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý thực hiện đào tạo cán bộ, nhân viênchuyên môn kỹ thuật cho quân đội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúngtổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự theo quyđịnh của pháp luật.

6. Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyềnhạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quy định của pháp luậtvề nghĩa vụ quân sự.

Điều 57. Trách nhiệmcủa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trongphạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật vềnghĩa vụ quân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 58. Nhiệm vụ,quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự tại địaphương.

2. Tổ chức việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩavụ quân sự.

3. Chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ, thực hiệnnghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và công dân phục vụ trong ngạch dự bị củaQuân đội nhân dân.

4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra cơ quan, tổ chức,cá nhân thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự tại địa phương.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 59. Xử lý viphạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thựchiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lýkỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong thờigian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiếnđấu mà vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mứcđộ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệmhình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 60. Hình thức kỷluật đối vớihạ sĩ quan, binh sĩ

1. Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức;

d) Cách chức;

đ) Giáng cấp bậc quân hàm;

e) Tước danh hiệu quân nhân.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật,thời hạn, trình tự và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Hiệu lựcthi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Luật nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổsung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửađổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994 vàLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự số 43/2005/QH11ngày 14 tháng 6 năm 2005 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 62. Quy định chi tiết

Chính phủ, các bộ quy định chi tiết thi hành các điều, khoản được giaotrong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóaXIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng

 

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề