Mô hình take away có phải đăng ký kinh doanh đồng thời xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không?

Posted on Tư vấn luật doanh nghiệp 753 lượt xem

Nội dung câu hỏi

Em thuê mặt bằng mở cửa hàng take away chỉ bán mang đi có cần giấy phép kinh doanh và giấy ăn toàn vệ sinh thực phẩm?

 

resize luat an toan thuc pham 2010 quy dinh ve quyen va nghia vu cua to chuc ca nh

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Việt Phong! Về câu hỏi của bạn, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật Thương mại 2005
  • Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại độc lập th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
  • Luật An toàn thực phẩm 2010
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Quy định pháp luật về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Mở bán take away có phải đăng ký kinh doanh?

Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về những trường hợp cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh:

“1. Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

2. Kinh doanh l­ưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”

Theo thông tin bạn đã cung cấp, bạn thuê mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh take away. Như vậy, địa điểm kinh doanh của bạn là cố định. Do bạn không đề cập đến mặt hàng bạn định kinh doanh nên chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định trên, nếu hoạt động kinh doanh của bạn là buôn bán vặt hoặc bán quà vặt theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì bạn không cần thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp bạn không kinh doanh các loại hàng hóa này thì bạn sẽ phải đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

Mở bán take away có phải đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm?

Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

“1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;

b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về trường hợp các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

“1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

g) Nhà hàng trong khách sạn;

h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

i) Kinh doanh thức ăn đường phố;

k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”

Như vậy, nếu hình thức kinh doanh take away của bạn là kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (buôn bán vặt, bán quà vặt) theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì cơ sở của bạn không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong trường hợp mặt hàng mà bạn kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh thì bạn phải thực hiện đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

5/5 - (2 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề