Môi giới hôn nhân trái phép cho người nước ngoài sẽ bị xử phạt thế nào?

Chào luật sư.
Em có một trường hợp muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em. Em có một người bạn lấy chồng sang Trung Quốc đến nay cũng hơn 5 tháng nhưng trường hợp của bạn em là từ lúc được mai mối người làm mai có hứa rất nhiều nói qua đây sẽ có cuộc sống sung sướng sẽ lo được cho gia đình và sẽ cho tiền thường xuyên gởi về giúp gia đình. Sau đó thì không như những lời người đó nói .phần bạn em chưa đủ tuổi nên có làm giấy để cước tuổi lên và toàn bộ giấy tờ là người mai mối và một vài người khác đó xử lý hết. em được biết là hộ khẩu thật đã được làm giả khác đi. tên những người trong gia đình và tuổi của bạn ấy. Khi gần đến ngày đi người đó còn hứa sẽ giúp đỡ và có thể cho về thăm nhà một thời gian sau đó nhưng đến khi qua đây thì mọi thứ hoàn toàn khác không còn giống những gì người ấy nói .mọi thứ đều không như viễn cảnh hoàng nhoáng họ vẽ ra trước đó và hầu như không có sự giúp đỡ nào từ họ ngoài việc giúp ít tiếng nói. những người bên đó cũng không đối xử tệ nhưng về phần mỗi lần đề cập xin về thăm nhà hay xin ít tiền gởi về nhà thì lại rất khó. Vậy thưa luật sư những vấn đề em nêu trên có đủ để thưa kiện người môi giới đó hay không. những việc làm đó có cho là trái pháp luật không và bạn em có phải chịu trách nhiệm phần nào đó cho chuyện này. Mong luật sư giúp em một lời giải đáp

Huynh Luan

Căn cứ pháp lý

tphcm nguoi dan ong trung quoc bi nhom nu bat coc doi tien chuoc d0f1 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi đưa người trốn đi hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo pháp luật hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật sẽ có 2 hình thức xử phạt, đó là:
  • Xử phạt hành chính căn cứ theo điểm đ khoản 6 điều 17 Nghị định 167/2013 quy định:
Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép….
  • Hoặc bị xử lý hình sự căn cứ theo điều 349 BLHS 2015 quy định:
Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 1 cá nhân khi thoả mãn một số các dấu hiệu như:

• Chủ thể: người phạm tội phải có năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 12 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 12: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
• Khách thể: xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Áp dụng vào sự việc này, hành vi đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại chương XXII BLHS 2015.

• Chủ quan: là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Đối với tội danh này, yếu tố “lỗi” được đặt ra phải là lỗi cố ý.

• Khách quan: là những hành vi được diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Đó là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Theo đó, áp dụng vào trường hợp này, hành vi khách quan của người vi phạm được biểu hiện thông qua việc làm giả các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nhân thân của người được đưa ra nước ngoài.

Từ các phân tích trên, người đại diện của người chưa thành niên trong trường hợp này được quyền tố cáo đến cơ quan công an nơi tội phạm được thực hiện để xử lý. Tuy nhiên theo những thông tin ban đầu được đưa ra chưa được đầy đủ và căn cứ theo quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, tại điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

Điều 62. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.
Theo đó, việc xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính đối với người tổ chức trong vụ việc này còn phụ thuộc them vào kết luận của cơ quan có trách nhiệm điều tra, thụ lý vụ việc.

Ngoài ra, liên quan đến thắc mắc về hành vi xuất cảnh sang quốc gia khác của người được đưa ra nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo khoản 2 điều 17 Nghị định 167/2013 quy định:

Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực Việt Nam, thẻ tạm trú, thẻ thường trú hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam;
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực trật tự quản lý hành chính. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thu Thuỷ

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề