Một số vấn đề pháp lý của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014

Tóm tắt câu hỏi:

Tùng, Cúc, Trúc, Mai cùng góp vốn thành lập công ty TNHH An Dương. Công ty đã ĐKKD vào tháng 2/2015. Tùng cam kết góp vào công ty 200 triệu, nhưng sau này trên thực tế Tùng chỉ góp 100 triệu. Cúc góp vốn bằng một chiếc ô tô được định giá là 300 triệu, mặc dù giá trị thực tế của xe tại thời điểm định giá chỉ là 200 triệu. Trúc góp vốn bằng một ngôi nhà được định giá 400 triệu. Mai góp 100 triệu bằng tiền cho công ty thuê ngôi nhà cũ của mình để làm kho chứa hàng trong 2 năm. Nhà và xe đã được Cúc và Trúc làm thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho công ty.
Trúc được phân công làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty.
Sau hơn 1 năm hoạt động, công ty An Dương đã bị thua lỗ nặng nề, công ty đã nợ gần 1 tỷ đồng.
Vì thiếu vốn kinh doanh nên Trúc với tư cách Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tự ý bán ngôi nhà mà Trúc góp vốn vào công ty cho Thọ.
Hợp đồng mua bán nhà giữa Thọ và công ty An Dương đã được giao kết vào ngày 21/11/2015 với giá 400 triệu. Sau đó, các thành viên mới biết là giá của ngôi nhà đó trên thị trường lúc bấy giờ đã là 600 triệu đồng nên đã không đồng ý với hợp đồng mua bán nhà trên. Khi các chủ nợ yêu cầu công ty thanh toán nợ, tài sản của công ty chỉ còn khoảng 700 triệu, gồm cả 400 triệu bán nhà cho Trúc.
Người gửi: Duy Thanh
2 tv

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Luật Doanh nghiệp 2014.

2/ Một số vấn đề pháp lý của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 1 loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014.
a) Việc góp vốn của các thành viên công ty TNHH An Dương như trên có hợp pháp không?
Việc góp vốn của thành viên công ty An Dương là hợp pháp nếu không thuộc một trong các trường hợp sau:
“a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức” (Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp)
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam (Điều 35 Luật Doanh nghiệp). Trong trường hợp này, Tùng, Cúc, Trúc, Mai đã góp vốn những tài sản như sau:
* Đối với việc góp vốn của Tùng:
Căn cứ quy định tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp, Tùng có nghĩa vụ phải góp vốn phần vốn góp cho công ty 200 triệu như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn trên mà Tùng vẫn chưa góp vốn đủ 200 triệu như đã cam kết mà mới chỉ góp 100 triệu thì Tùng có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của Tùng là 100 triệu trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Tùng phải chịu trách nhiệm tương ứng với 200 triệu như đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp.
* Đối với việc góp vốn của Cúc:
Cúc góp vốn bằng một chiếc ô tô được định giá là 300 triệu. Mặc dù giá trị thực tế của xe tại thời điểm định giá chỉ là 200 triệu. Căn cứ quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp, khi đó các thành viên phải cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá (tức liên đới góp thêm 100 triệu); đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
* Đối với việc góp vốn của Trúc và Mai:
Trúc góp vốn bằng một ngôi nhà được định giá 400 triệu. Mai góp 100 triệu bằng tiền cho công ty thuê ngôi nhà cũ của mình để làm kho chứa hàng trong 2 năm. Những tài sản góp vốn này hoàn toàn thoả mãn điều kiện về tài sản góp vốn tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp nên việc góp vốn này là hợp pháp.
Như vậy, khi đáp ứng các điều kiện về người góp vốn tại Khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp và sau khi thực hiện các thủ tục điều chỉnh phần vốn góp với phần vốn góp của Tùng và liên đới góp thêm 100 triệu chênh lệch đối với phần vốn góp của Mai; nhà và xe đã được Cúc và Trúc làm thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho công ty thì việc góp vốn thành lập công ty là hợp pháp.
Nếu không thực hiện việc góp vốn đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không có sự điều chỉnh thì việc góp vốn là bất hợp pháp.
– Trúc có thể rút nhà và góp vốn thay thế bằng tiền mặt nếu các thành viên khác không phản đối hay không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại”.
Như vậy, có 2 trường hợp xảy ra:
TH1: Trúc có thể rút nhà và góp vốn thay thế bằng tiền mặt nhưng phải trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.
TH2: Nếu hết thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, việc Trúc có được rút nhà và góp vốn thay thế bằng tiền mặt nếu các thành viên khác không phản đối hay không phụ thuộc vào quy định tại Điều lệ công ty.
– Hợp đồng mua bán nhà giữa Thọ và công ty có giá trị pháp lý không? Thủ tục ký kết các loại hợp đồng này như thế nào?
Căn cứ những thông tin trên, chưa xác định được Thọ thuộc đối tượng nào, nên chúng tôi chia thành 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Thọ thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67:
Điều 67 Luật Doanh nghiệp quy định các hợp đồng, giao dịch của công ty với những người dưới đây phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên:
“a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;
c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.”
Như vậy hợp đồng mua bán nhà giữa Thọ và công ty không có giá trị pháp lý bởi chưa có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên:
Theo Khoản 2 Điều 67 Luật doanh nghiệp: “Người ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; trong trường hợp này, hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự tán thành của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết”.
Trúc đã tự ý ký kết hợp đồng mua bán nhà với Thọ mà không thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Do đó, Hội đồng thành viên không thể tiến hành việc trả lời chấp thuận hợp đồng mua bán mà Trúc dự định ký với Thọ nhân danh công ty. Khi đó, hợp đồng mua bán với Thọ bị vô hiệu và phải xử lý theo quy định của pháp luật. Trúc phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch được ký kết không đúng hoặc gây thiệt hại cho công ty.
Ngoài ra, do căn nhà mà Trúc ký hợp đồng bán cho Thọ là tài sản góp vốn của Trúc. Do đó, khi bán căn nhà đó tức là Trúc đã thực hiện hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên phải được thực hiện theo quy định sau:
“Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán” (Khoản 1 Điều 53).
Như vậy, khi muốn chuyển nhượng phần vốn góp, trước hết Trúc phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện và chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán. Ở đây, Trúc đã bán trực tiếp cho Thọ mà không thực hiện việc chào bán với thành viên khác nên việc chuyển nhượng phần vốn góp dưới hình thức giao kết hợp đồng mua bán này là trái pháp luật.
Trường hợp 2: Thọ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67:
Đối với các giao dịch với những người không thuộc khoản 1 Điều 67 thì thuộc thẩm quyền ký kết của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc:
“e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;” (điểm e khoản 2 Điều 64)
Đồng nghĩa với việc hợp đồng ký kết với Thọ trong trường hợp này vẫn có hiệu lực pháp lý.
– Việc thanh toán các khoản nợ của công ty như thế nào? Các thành viên công ty có phải bỏ thêm tài sản để trả nợ thay cho công ty không?
Công ty sẽ dùng tài sản của công ty để thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ. Phần còn thiếu sẽ do các thành viên liên đới chịu trách nhiệm thanh toán nhưng chỉ trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp)
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Một số vấn đề pháp lý của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Hương Diền

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Một số vấn đề pháp lý của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề