Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Posted on Tư vấn luật lao động 305 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi:

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Xin chào luật sư! Tôi có một thắc mắc như sau:

Ngày 10/3/2012 tôi vào làm việc tại công ty TNHH dệt may Hoa Sen đóng tại quận Nam Từ  Liêm – Hà Nội với hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 1 năm. Khi gần hết thời hạn hợp đồng (HĐ), hai bên thỏa thuận gia hạn HĐ thêm 2 năm. Hết thời hạn 2 năm, hai bên lại kí tiếp HĐ thời hạn 3 năm. Ngày 15/2/2016, tôi bị người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhắc nhở bằng văn bản vì đã không hoàn thành công việc được giao. Ngày 25/2/2016 tôi lại bị NSDLĐ tiếp tục nhắc nhở bằng văn bản vì lí do không hoàn thành công việc được giao. Quy chế lao động trong công ty có quy định người lao động (NLĐ bị nhắc nhở bằng văn bản hai lần trong 1 tháng do không hoàn thành công việc sẽ bị đơn phương chấm dứt HĐ). Trước tình hình đó, sau khi thông báo trước 45 ngày, giám đốc công ty TNHH dệt may Hoa Sen đã quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với tôi với lí do tôi đã thường xuyên không hoàn thành công việc được giao. Vậy việc chấm dứt HĐLĐ của công ty đối với tôi là đúng hay sai? Giờ tôi muốn viết đơn cho tôi hỏi Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu của tôi. Tôi xin cảm ơn luật sư!

Người gửi: Lê Văn Hùng (Ninh Bình)

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của anh công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn anh như sau:

1. Căn cứ pháp luật.

– Bộ luật lao động năm 2012.

– Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 1 năm 2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

2. Việc chấm dứt HĐLĐ của công ty đối với anh đúng hay sai?

Việc chấm dứt HĐLĐ của công ty X đối với anh là đúng. Vì:

Thứ nhất, lý do chấm dứt HĐLĐ mà công ty đưa ra là hợp pháp. Căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 38 BLLĐ năm 2012, pháp luật quy định cho NSDLĐ có quyền được đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ”.

Trước đây, trong nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 có quy định cụ thể về các trường hợp được coi là NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng khi NLĐ không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng mà sau đó vẫn không khắc phục. Tuy nhiên, quy định này bị cho là cứng nhắc, không phù hợp với tính linh hoạt của thị trường lao động, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, BLLĐ năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định theo hướng “mở” hơn bằng cách trao quyền cho các đơn vị sử dụng lao động được chủ động quy định về trường hợp như thế nào là “thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ”, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc để từ đó làm căn cứ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.

Theo đó, tại Khoản 1 điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định: “Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”

Theo tình huống, anh bị công ty chấm dứt HĐLĐ là do anh thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Hơn nữa, trong quy chế lao động mà công ty ban hành cũng đã có quy định rõ ràng như thế nào được xem là “thường xuyên không hoàn thành công việc”. Theo đó, quy chế công ty quy định “thường xuyên không hoàn thành công việc” này được thể hiện ở việc trong một tháng NLĐ bị nhắc nhở bằng văn bản đến hai lần do không hoàn thành công việc.Vì vậy, có thể nói lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà công ty đưa ra là đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật và quy định trong quy chế doanh nghiệp

Thứ hai, công ty cũng đã thực hiện đúng thủ tục chấm dứt HĐLĐ mà pháp luật lao động đã quy định.

Thủ tục duy nhất mà NSDLĐ phải thực hiện khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ là thủ tục báo trước cho NLĐ trước khi chấm dứt HĐLĐ. Thời gian báo trước được quy định tùy thuộc vào loại HĐLĐ mà NSDLĐ chấm dứt. Theo đó, đối với HĐLĐ xác định thời hạn, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì NSDLĐ cần phải thông báo trước cho NLĐ ít nhất 30 ngày (điểm b khoản 2 điều 38 BLLĐ). Theo như dữ liệu đề bài đưa ra thì công ty đã thông báo cho Anh trước 45 ngày rồi mới ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với Anh. Công ty đã tuân thủ các quy định của pháp luật về thời hạn thông báo cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ.

Như vậy, trong trường hợp này công ty hoàn toàn có thể viện dẫn điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 38 BLLĐ năm 2012 làm căn cứ để chấm dứt HĐLĐ với NLĐ một cách hợp pháp.

3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Vì tranh chấp giữa anh và công ty là tranh chấp cá nhân nên căn cứ vào Điều 200 BLLĐ 2012, Theo nguyên tắc, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp của anh A bao gồm: Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, vì tranh chấp giữa Anh và công ty là tranh chấp về trường hợp chấm dứt HĐLĐ cho nên theo điểm a khoản 1 điều 201 BLLĐ 2012, tranh chấp này sẽ không nhất thiết phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà anh có thể trực tiếp gửi đơn yêu cầu đến TAND để TAND giải quyết đơn yêu cầu của mình.

Theo khoản 1 điều 32 và điểm c khoản 1 điều 35 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Gọi chung là TAND cấp huyện) sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu của Anh. Cụ thể, Theo điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì:

– TAND quận Nam Từ Liêm – Hà Nội sẽ là TAND giải quyết đơn yêu cầu của anh. Vì căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì: Nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động theo quy định tại Điều 32 BLTTDS.

– Hoặc TAND cấp huyện nơi cư trú của anh cũng có thể có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu của anh A nếu như anh A và công ty  có thỏa thuận được với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú của anh giải quyết (điểm b khoản 1 điều 39 BLTTDS 2015)

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về vấn đề người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề