Quy định của pháp luật về nhập khẩu song song

Posted on Tư vấn luật SHTT 350 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi:

Quy định của pháp luật về nhập khẩu song song

Chào công ty tư vấn Luật Việt Phong! Tôi muốn nhờ công ty tư vấn về vấn đề xâm phạm quyền như sau. Công ty tôi là đại lý ủy quyền duy nhất của một hãng mỹ phẩm Đức tại Việt Nam. Hãng mỹ phẩm này khá nổi, được đăng lý bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ. Trong hợp đồng có ghi rõ ràng là chỉ có Công ty tôi được phép phân phối mặt hàng này. Tuy nhiên, gần đây tôi phát hiện có một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng bán loại mỹ phẩm này, họ nói là hàng xách tay không mất thuế nên bán giá rẻ hơn chúng tôi. Tôi có mua về kiểm tra thử thì đó đúng là hàng chính hãng. Tôi muốn hỏi mấy cơ sở đó bán hàng mà chúng tôi độc quyền phân phối như vậy có sai luật không? Chúng tôi có thể kiện họ được không? Tôi xin cảm ơn!

Người gửi: Trần Nguyên Hạnh (TP Hồ Chí Minh)

quy định của pháp luật về nhập khẩu song song

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009

Thông tư 37/2011/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

2/ Quy định của pháp luật về nhập khẩu song song

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn là đại lý ủy quyền phân phối duy nhất của hãng mỹ phẩm đó tại Việt Nam nghĩa là công ty bạn là tổ chức được trao quyền sử dụng, quản lý nhãn hiệu đó tại Việt Nam. Công ty bạn sẽ có quyền sử dụng cũng như cung cấp hàng hóa của hãng mỹ phẩm đó theo các thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam có quy định một số trường hợp người khác sử dụng các sản phẩm của chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng  sở hữu công nghiệp mà không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.  

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng  sở hữu công nghiệp không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi sau đây:

2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

c) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

d) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật này;

đ) Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này;

e) Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ;

g) Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó;

h) Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Theo thông tin bạn cung cấp, một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mua theo kiểu hàng xách tay loại mỹ phẩm mà công ty bạn là đại lý ủy quyền duy nhất tại Việt Nam để bán trong nước. Như vậy, trường hợp này là trường hợp lưu thông, khai thác sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp tại Điểm b Khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Cụ thể đây là hành vi  nhập khẩu song song được pháp luật Việt Nam cho phép.

Căn cứ vào Điều 10 Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN quy định về nhập khẩu song song như sau:

1. Nhập khẩu song song theo quy định tại tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 97/2010/NĐ-CP là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị xử phạt vi phạm hành chính. Một số ví dụ về hành vi nhập khẩu song song:

a) Công ty A là chủ Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm X đang được bảo hộ tại Việt Nam. Công ty A ủy quyền cho đại lý của mình là Công ty B tại Việt Nam được phép nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm X tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm X do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A và Công ty B.

b) Công ty A là chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp Y đang được bảo hộ cho kiểu dáng sản phẩm G tại Việt Nam. Công ty A cấp li-xăng cho Công ty B để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại Việt Nam, đồng thời cấp li-xăng cho Công ty C để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại nước khác. Công ty D mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y do Công ty C sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A, Công ty B và Công ty C.

c) Công ty A là chủ nhãn hiệu Z được bảo hộ cho sản phẩm T tại nước ngoài. Công ty A thành lập chi nhánh là Công ty B tại Việt Nam và đồng ý cho Công ty B nộp đơn đăng ký và đứng tên chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Z cho sản phẩm T tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm T mang nhãn hiệu Z do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A và Công ty B.

Như vậy việc các đại lý bán lẻ đó mua đúng hàng chính hãng của công ty mỹ phẩm kia để bán lại tại Việt Nam là không vi phạm quy định của pháp luật. 

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Quy định của pháp luật về nhập khẩu song song. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Quy định của pháp luật về nhập khẩu song song
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề