Quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản

Tóm tắt câu hỏi:

Quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản

Xin chào luật sư, cháu có một thắc mắc như sau, mong luật sư giải đáp giúp cháu: hôm qua anh cháu (22 tuổi) cùng một người bạn nữa đi xe máy trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội thì có thấy một chị đeo túi xách, nhìn có vẻ giàu có nên anh cháu và bạn anh ấy có nảy sinh ý định giật túi của chị ấy. Khi giật được thì trong túi chỉ có son phấn với sách vở, không có bất cứ tài sản gì giá trị bán được nên anh cháu đã vứt túi xách ấy vào lề đường. Giờ chị ấy báo cho cơ quan công an và tìm ra được anh cháu. Cháu nghe nói, lúc anh cháu giật túi xách chị ấy có bị ngã xe và bị gãy tay. Vậy, luật sư cho cháu hỏi với hành vi như vậy thì anh cháu có bị tội gì không? Cháu cảm ơn luật sư rất nhiều.

Người gửi: Nguyễn Thị Thanh Mai (Hưng Yên)

Quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

 1. Căn cứ pháp luật.

– Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS)

2. Quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản.

Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, hành vi cướp giật tài sản của anh bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản được quy định tại điều 136 BLHS. Cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát. Tội cướp giật tài sản được pháp luật quy định tại điều 136 BLHS. Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về loại tội này cần thỏa mãn các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, về mặt chủ thể. Theo điều 12 BLHS: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” . Trong khi đó, anh bạn đã 22 tuổi, vì vậy anh bạn đã đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Thứ hai, về mặt chủ quan. Hành vi cướp giật tài sản được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi giật tài sản. Người phạm tội cướp giật tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi giật tài sản, vì hành vi giật tài sản đã bao hàm mục đích chiếm đoạt. Mục đích chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh

Thứ ba, về mặt khách thể, Khách thể của tội cướp giật tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay nhiều vụ cướp giật tài sản đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại như các vụ cướp giật của người đang điều khiển xe đạp, xe máy làm cho những người này ngã xe gây tai nạn. Mặc dù những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ không phải là đối tượng mà người phạm tội nhằm vào, nhưng trước khi thực hiện hành vi cướp giật, người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố tình thực hiện, trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại về sức khỏe, tính mạng. Vì lẽ đó mà Bộ luật hình sự năm 1999 khi quy định tội cướp giật tài sản đã đưa vào trong cấu thành dấu hiệu về thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ và coi đây là những tình tiết định khung hình phạt.

Thứ tư, về mặt khách quan, hành vi cướp giật tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở của người khác (lợi dụng thời điểm chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý), công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản của người đó mà không cần dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hay dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản…sau đó nhanh chóng tẩu thoát cùng tài sản chiếm đoạt được.

Hậu quả của tội cướp giật tài sản trước hết là những thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc những thiệt hại khác. Tội cướp giật tài sản là tội phạm nghiêm trọng nên nhà làm luật không quy định mức tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu cấu thành tội phạm như đối với các tội khác. Do đó, mặc dù anh bạn chỉ giật được son phấn, sách vở nhưng hành vi của anh bạn vẫn cấu thành tội cướp giật tài sản. Gía trị tài sản cướp giật được không là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội cướp giật tài sản. Nó chỉ có ý nghĩa trong việc Tòa án xem xét, quyết định hình phạt.

Như phân tích ở trên, có thể thấy hành vi của anh bạn đã thỏa mãn các dấu hiệu để cấu thành tội phạm – tội cướp giật tài sản. Vì bạn chưa cung cấp tỷ lệ thương tật của nạn nhân cụ thể nên chúng tôi sẽ không tư vấn một cách chi tiết được:

– Nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân là từ 11% đến 30% thì anh bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 điều 136 BLHS với khung hình phat áp dụng là từ 3 năm đến 10 năm.

– Nếu tỷ lệ thương tật mà từ 31% đến 60% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a , khoản 3 điều 136 BLHS, khung hình phạt tại khoản này là từ 7 năm đến 15 năm.

– Còn trong trường hợp tỷ lệ thương tật mà từ 61% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 điều 136 BLHS với khung hình phạt áp dụng là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Cụ thể, bạn có thể tham khảo chi tiết tại quy định sau của BLHS:

“Điều 136: Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu  thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm  chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề