Quy định về xác nhận quan hệ cha, mẹ – con khi cha không muốn nhận con

– Thưa luật sư, nhiều năm về trước bố và mẹ em có quan hệ tình cảm và sinh ra em. Nhưng ông này không nhận con và cũng không có đăng kí kết hôn với mẹ em. Vì vậy, khi đăng kí khai sinh người nhà mẹ em đã không khai sinh phần họ tên người cha và để em theo họ của mẹ với lí do em là con ngoài giá thú.
– Đến nay em đã 23 tuổi nhưng không nhận được bất cứ sự trợ cấp, giúp đỡ nào từ người phía người cha. Sự tồn tại của em người này cùng họ hàng, gia đình, người thân đều biết rõ.
– Người này hiện còn sống khỏe mạnh, đã có vợ và 2 con riêng. Đang sinh sống trong cùng một huyện với gia đình em.
– Hiện nay, em có yêu cầu được thừa nhận quyền cha con hợp pháp, cải chính lại lí lịch và các giấy tờ tùy thân khác có liên quan đến người cha và sửa lại họ tên theo họ cha đẻ. Em đã liên hệ họ hàng, người thân bên họ nội và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhưng người này trước sau vẫn kiên quyết không chịu thừa nhận quyền cha con hợp pháp với em mặc dù ông này biết rõ có quan hệ huyết thống là cha – con với em.
– Xin hỏi luật sư, em muốn gửi đơn lên Tòa án yêu cầu ông này phải có nghĩa vụ thừa nhận quyền và quan hệ cha – con hợp pháp đối với em căn cứ vào xét nghiệm ADN, để đòi lại danh dự, nhân phẩm mà đáng lẽ ra em phải được hưởng ngay từ khi mới sinh ra, đồng thời cải chính lại lí lịch, các giấy tờ cá nhân khác có họ và tên cha; thay đổi họ sang họ cha theo nguyện vọng có được hay không? Pháp luật có quy định nào bảo vệ danh dự, nhân phẩm của những người sinh ra là con ngoài giá thú như em hay không. Nếu có thì trình tự, thủ tục thực hiện việc đó như thế nào? Xin cảm ơn!

Tuấn Anh

Căn cứ pháp lý

– Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

650ae9062b74faa99b41701d0af8e713 5

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: Từ dữ kiện bạn chia sẻ, có thể thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đăng ký hộ tịch.

Dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo quy định về hôn nhân, gia đình, tại điều 90 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ
1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.

Theo đó, pháp luật đã thừa nhận về việc xác lập quan hệ giữa cha, mẹ – con khi có những căn cứ được quy định tại điều 11 Thông tư 15/2015:

Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

Ngoài ra, liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện việc đăng ký nhận cha, mẹ – con, căn cứ theo mục 4 chương II Luật hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ – con. Tại điều 24 Luật hộ tịch quy định:

Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Tuy nhiên việc nhận cha, mẹ – con phải có sự góp mặt của các bên theo quy định tại khoản 1 điều 25 Luật hộ tịch:

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Tiếp theo liên quan đến việc thay đổi họ sau khi thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ – con, căn cứ theo điều 27 BLDS 2015 quy định:

Điều 27. Quyền thay đổi họ
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
Theo đó, pháp luật đã thừa nhận về quyền thay đổi họ tên khi có căn cứ theo điều 27 BLDS. Áp dụng vào sự việc này, người tiến hành thủ tục thay đổi hộ tịch đã trên 18 tuổi, căn cứ theo điều 46 Luật hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký thay đổi hộ tịch sẽ được tiến hành tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú.

Như vậy, sau khi thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ – con thì quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập, tồn tại căn cứ theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình liên quan đến quan hệ giữa cha mẹ và con.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về vấn đề pháp lý liên quan đến đăng ký hộ tịch. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Đức Luân

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề