Quy định về xuất khẩu thực phẩm tươi sống ra nước ngoài

Posted on Tư vấn luật hành chính 783 lượt xem

Tóm tắt tình huống:

Em là Linh em có hỏi chị về thủ tục xuất gà. Bên em có định xuất khẩu gà làm sạch đóng gói hút chân không sang Sing. Bên em sẽ cung cấp gà cho một bên họ chuyên mổ làm sạch và đóng gói gà. Vậy em muốn hỏi thủ tục xuất được gà sang cần và gồm giấy tờ gì. Em cũng muốn hỏi chị thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu. Em gửi chị đăng ký kinh doanh bên em chị nhé. Em cám ơn chị ạ
Người gửi: Nguyễn Thùy Linh
xuat khau ga

Luật sư tư vấn

Xin chào chị! Cám ơn chị đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của chị, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho chị như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Doanh nghiệp 2014;
– Luật An toàn thực phẩm 2010;
– Luật Hải quan 2014;
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Quy định về xuất khẩu thực phẩm tươi sống ra nước ngoài

– Đăng ký bổ sung mã ngành 8299
Do trong đăng ký kinh doanh của công ty chị chưa đăng ký mã ngành 8299 nên sẽ không được thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy điều đầu tiên khi công ty bạn muốn thực hiện xuất khẩu là phải đăng ký bổ sung mã ngành 8299. Theo đó, đối với công ty cổ phần người đại diện theo pháp luật của công ty chị chịu trách nhiệm gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi. Nội dung Thông báo gồm:
a. Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b. Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
c. Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Ngoài ra cần kèm theo Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông
Trong đó công ty bạn sẽ đăng ký bổ sung “Mã ngành 8299: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu”. Và ghi chi tiết: Xuất nhập khẩu mặt hàng công ty kinh doanh. Nếu hồ sơ của công ty chị hợp lệ thì trong thời hạn 3 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ có Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
–  Thủ tục xin Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật
Công ty chị có ý định xuất khẩu gà làm sạch đóng gói hút chân không sang Singapore. Do đó cần đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn đối với thực phẩm tươi sống. Căn cứ Điều 10 và Điều 11 Luật An toàn thực phẩm:
“1. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
2. Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây:
a) Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
b) Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm;
c) Quy định về bảo quản thực phẩm.”
và: “2. Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc theo quy định tại Điều 54 của Luật này.
3. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật theo quy định của pháp luật về thú y.”
Như vậy, công ty chị sẽ phải thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn trước khi xuất khẩu. Khoản 2 điều 11 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định:
“2. Sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu phải được cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu với nội dung…”
Công ty chị sẽ phải đăng ký kiểm dịch với Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục thú y hoặc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được Cục Thú y ủy quyền.
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch bao gồm:
“a) Đơn đăng ký kiểm dịch;
b) Yêu cầu vệ sinh thú y của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng (nếu có);
c) Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu (nếu có).”
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian kiểm dịch. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch. Giấy chứng nhận kiểm dịch này là điều kiện quan trọng để công ty chị được phép xuất khẩu.
– Về giấy phép xuất khẩu
Xin giấy phép xuất khẩu trước đây là một công việc bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài. Nhưng theo Điều 4 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định:
Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
3. Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Như vậy đối với mặt hàng là thịt gà thuộc đối tượng phải đảm bảo quy định về kiểm dịch theo khoản 2. Do đó công ty phải thực hiện việc xin Giấy phép xuất khẩu. Việc đăng ký xuất khẩu được thực hiện tại Cục Thú y. Hồ sơ thực hiện thủ tục bao gồm:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Đơn xin theo mẫu;
– Bản sao mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
– Hồ sơ, thủ tục hải quan với hàng hóa xuất khẩu
Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại khoản 1 Điều 16 Mục 2 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:
“1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
b) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu: 01 bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu xuất khẩu nhiều lần;
c) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.”
Bên cạnh đó cần đảm bảo tuân theo thủ tục hải quan được quy định tại Điều 21 Luật Hải quan 2014:
“1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:
a) Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
b) Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
c) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Cơ quan có thẩm quyền là Chi cục Hải quan. Thời hạn làm thủ tục hải quan trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa là thực phẩm chậm nhất là 08 giờ tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Trên đây là tư vấn của công ty luật Việt Phong về Quy định về xuất khẩu thực phẩm tươi sống ra nước ngoài. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Tiến Đạt

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Quy định về xuất khẩu thực phẩm tươi sống ra nước ngoài
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề