Quỹ từ thiện và các vấn đề liên quan

Posted on Tư vấn luật dân sự 414 lượt xem

Tóm tắt tình huống:

Chào Luật sư! Xin Luật sư tư vấn giúp em câu hỏi về Quỹ từ thiện như sau:
1. Sau khi thành lập được quỹ từ thiện thì có được sử dụng ngay không hay phải chờ thời gian rồi mới hoạt động được? Nếu chờ thì trong bao lâu?
2. Quá trình rút tài khoản trong quỹ thì trong khoảng bao nhiêu % so với tổng số tiền trong quỹ?
3. Khi rút tiền trong tài khoản quỹ ra có cần giấy tờ giải trình gì không? Nếu có thì giải trình cho ai?
Người gửi: Phan Tuấn
quy tu thien 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quy từ thiện;
– Thông tư số 02/2013/TT-BNV quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

2. Quỹ từ thiện và các vấn đề liên quan.

Khái niệm Quỹ từ thiện theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 30/2012/NĐ-CP được quy định như sau: “Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận”.
Vấn đề thứ nhất, sau khi thành lập được quỹ từ thiện thì có thể sử dụng ngay được không? 
Bạn đã thành lập quỹ từ thiện, tức là bạn đã được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. Vậy để quỹ được hoạt động, nói cách khác là sử dụng được quỹ, bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này như sau:
“1. Có giấy phép thành lập và công nhận điều lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này cấp.
2. Đã công bố về việc thành lập quỹ theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
3. Có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà sáng lập viên đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ. Đối với tài sản khác, đã thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 Nghị định này.
4. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ”.
Như vậy, bạn đã có được giấy phép thành lập và công nhận điều lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Tiếp sau đó, bạn cần phải công bố về việc thành lập quỹ theo quy định tại Điều 19 Nghị định này, cụ thể:
“Điều 19. Công bố việc thành lập quỹ
1. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, quỹ phải công bố về việc thành lập quỹ liên tiếp trên 03 (ba) số báo viết hoặc báo điện tử ở Trung ương đối với quỹ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương đối với quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cho phép thành lập về các nội dung chủ yếu sau đây:
“a) Tên quỹ;
b) Địa chỉ trụ sở chính của quỹ, điện thoại, email hoặc website (nếu có) của quỹ;
c) Tôn chỉ, mục đích của quỹ;
d) Phạm vi hoạt động của quỹ;
đ) Lĩnh vực hoạt động chính của quỹ;
e) Số tài khoản, tên, địa chỉ ngân hàng nơi quỹ mở tài khoản;
g) Họ tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của quỹ;
h) Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm và cơ quan cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ;
i) Số tài sản đóng góp thành lập quỹ của các sáng lập viên.
2. Trong trường hợp thay đổi nội dung giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, quỹ phải công bố nội dung những thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Tức là kể từ khi được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, thì trong vòng 30 ngày sau đó, quỹ cần công bố về việc thành lập quỹ liên tiếp trên 3 số báo viết hoặc báo điện tử ở Trung ương nếu quỹ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương nếu quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cho phép thành lập. Nội dung thông báo bao gồm các thông tin được quy định tại Điều 19 nêu trên. Trong trường hợp muốn thay đổi nội dung giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ thì phải công bố nội dung thay đổi trong thời hạn 30 ngày.
Bên cạnh đó, Nếu là tiền, bạn cần có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà sáng lập viên đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ. Còn đối với tài sản, bạn cần thực hiện việc chuyển quyền sở hữu. Cụ thể: Nếu tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì bên góp tài sản phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho quỹ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản đóng góp thành lập quỹ không phải chịu lệ phí trước bạ. Nếu tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp tài sản phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản đóng góp có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của quỹ; họ, tên, địa chỉ thường trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức đóng góp tài sản; loại tài sản và số đơn vị tài sản đóng góp; tổng giá trị tài sản đóng góp; ngày giao nhận; chữ ký của người đóng góp hoặc đại diện theo ủy quyền của người đóng góp tài sản và người đại diện theo pháp luật của quỹ.
Cuối cùng, bạn cần có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ. Để được công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ, bạn cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 22 Nghị định này như sau:
“1. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 21 Nghị định này, Hội đồng quản lý quỹ lập 01 (một) bộ hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ theo quy định tại Điều 16 Nghị định này đề nghị công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành lập Hội đồng quản lý quỹ.
2. Nội dung hồ sơ gồm:
a) Tài liệu chứng minh các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Hội đồng quản lý quỹ. Trường hợp thành viên Hội đồng quản lý quỹ là người nước ngoài phải cung cấp lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước người đó mang quốc tịch;
c) Văn bản liên quan đến việc bầu thành viên và các chức danh Hội đồng quản lý quỹ.
3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này ra quyết định công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ, trường hợp không công nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
4. Trong quá trình hoạt động nếu có sự thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng quản lý quỹ; quỹ gửi văn bản nêu rõ lý do thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng quản lý quỹ (kèm theo danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp của thành viên Hội đồng quản lý quỹ được bổ sung) đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này ra quyết định công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ do thay đổi, bổ sung; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.
Như vậy, sau khi thành lập quỹ từ thiện thì không được sử dụng ngay mà cần phải thực hiện đầy đủ các điều kiện tại điều 21 nêu trên. Thời gian cho việc thực hiện tất các các thủ tục là trong khoảng 60 ngày nếu bạn không có thay đổi về nội dung giấy phép hay thay đổi, bổ sung về thành viên Hội đồng quản trị. 
Vấn đề thứ hai, Quá trình rút tài khoản trong quỹ thì trong khoảng bao nhiêu % so với tổng số tiền trong quỹ?
Vấn đề rút bao nhiêu phần trăm so với tổng số tiền trong quỹ không được pháp luật quy định cụ thể. Pháp luật chỉ quy định về cách sử dụng quỹ cũng như chi các hoạt động quản lý quỹ. Cụ thể:
“Điều 33 Nghị định này quy định về Sử dụng quỹ như sau:
1. Chi tài trợ, bao gồm: Tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và các mục đích xã hội khác vì sự phát triển cộng đồng theo điều lệ quỹ. Tài trợ theo sự ủy nhiệm của cá nhân, tổ chức và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật. Tài trợ cho tổ chức, cá nhân phù hợp với mục đích của quỹ.
2. Đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Việc tiếp nhận, sử dụng viện trợ từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản liên quan.
4. Chỉ thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng hoặc các nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước giao.
5. Chi cho hoạt động quản lý quỹ.
6. Mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm đối với tiền nhàn rỗi của quỹ (không bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước cấp, nếu có)”.
Ngoài ra, Điều 34 Nghị định quy định về Chi hoạt động quản lý quỹ, cụ thể:
 “1. Nội dung chi hoạt động quản lý quỹ bao gồm:
a) Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý quỹ;
b) Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định;
c) Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có);
d) Chi mua sắm, sửa chữa vật tư văn phòng, tài sản phục vụ hoạt động của quỹ;
đ) Chi thanh toán dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động của quỹ;
e) Chi các khoản công tác phí phát sinh đi làm các nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ;
g) Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hóa; chi phí chuyển tiền; chi phí liên quan đến phân bổ tiền, hàng cứu trợ);
h) Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của quỹ.
2. Định mức chi hoạt động quản lý quỹ:
a) Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, tối đa không quá 5% (năm phần trăm) tổng thu hàng năm của quỹ (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng);
b) Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá 5% (năm phần trăm) tổng thu hàng năm của quỹ, Hội đồng quản lý quỹ quy định mức chi sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ;
c) Trường hợp chi phí quản lý của quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định”. 
3. Vấn đề thứ ba, Khi rút tiền trong tài khoản quỹ ra có cần giấy tờ giải trình gì không? Nếu có thì giải trình cho ai?
Khi rút tiền trong tài khoản của quỹ, bạn không cần giấy tờ giải trình cho cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Hội đồng quản lý quỹ cũng như Ban kiểm soát quỹ sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ và báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý về tình hình tài sản, tài chính của quỹ. Ngoài ra, Giám đốc quỹ chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của quỹ theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý trên cơ sở nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng quản lý quỹ thông qua; không được sử dụng tài sản, tài chính quỹ vào các hoạt động khác ngoài tôn chỉ, mục đích của quỹ. Và Hội đồng quản lý quỹ và Giám đốc quỹ có trách nhiệm công khai tình hình tài sản, tài chính quỹ hàng quý, năm. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Nội vụ, Bộ tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với quỹ hoạt động thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ sẽ có trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc chấp hành cũng như sử dụng quỹ. 
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Quỹ từ thiện và các vấn đề liên quan. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Trần Thị Hải

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Quỹ từ thiện và các vấn đề liên quan
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề