Quyền nuôi con sau ly hôn được quy định như thế nào?

Xin hỏi việc nuôi con sau khi ly hôn sau khi ly hôn sẽ được xét xử như thế nào ?

Quỳnh Nguyễn

Căn cứ pháp lý

– Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

thay doi quyen nuoi con 3

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn.

Theo quy định hiện hành về hôn nhân gia đình, có 2 căn cứ để chấm dứt tình trạng hôn nhân:

  • Thuận tình ly hôn: căn cứ theo điều 55 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo đó, trong trường hợp thuận tình ly hôn thì các bên đương sự trong vụ việc ly hôn đã đồng ý, thỏa thuận thống nhất về việc phân chia tài sản và trông nom, nuôi dưỡng chăm sóc con sau ly hôn và được Tòa án chấp thuận.

  • Ly hôn theo yêu cầu của 1 bên: căn cứ theo quy định tại điều 56 Luật hôn nhân gia đình quy định:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Quy định bổ sung cho điều 56 Luật HN&GĐ và áp dụng vào sự việc này, tại điều 81 Luật HN&GĐ quy định:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Ngoài ra, để đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc sống, sinh hoạt của con sau khi cha, mẹ chấm dứt hôn nhân và phù hợp với thực trạng tố tụng dân sự – hôn nhân đang diễn ra, tại điều 25 Công văn 01/2017 quy định:

25. Đối với các vụ án hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Thẩm phán phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp tại cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em? Vậy, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em là cơ quan nào? Cơ quan ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hay nơi thường xuyên sinh sống? Nếu có đương sự cư trú khác tỉnh thì giải quyết như thế nào?
Khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03-01-2013 của Chính phủ về công tác gia đình quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương”.
Các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương1 và các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05-5-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh2 thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Như vậy, khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, Thẩm phán, Thẩm tra viên có thể thu thập tài liệu, chứng cứ và tham khảo ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương theo quy định tại các Nghị định nêu trên. Ngoài ra, để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp, Tòa án có thể tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ, chồng chung sống, nơi con chưa thành niên cư trú.
Theo đó, sau khi tiến hành thu thập chứng cứ, tham khảo ý kiến từ Uỷ ban cấp xã nơi vợ, chồng cư trú trước đây, nếu xét thấy có hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính với mục đích xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của các thành viên trong gia đình thì Toà án có thể xem đó là căn cứ để hạn chế quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau ly hôn. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Đức Luân

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề