Quyền sở hữu nhà đất của người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài

Tóm tắt tình huống:

Tôi vốn sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây một thời gian Tôi có ra nước ngoài học tập rồi công tác. Hiện nay tôi đã xin được quốc tịch nhưng đã làm đầy đủ thủ tục để giữ quốc tịch Việt Nam và cũng vẫn đang sử dụng passport Việt Nam do Đại sứ quán cấp. Vì lý do gia đình tôi thường xuyên đi về Việt Nam nên tôi vẫn còn chứng minh nhân dân và hộ khẩu ở tại địa chỉ nhà của gia đình tôi. Hiện nay Dù phần lớn thời gian tôi sống ở nước ngoài nhưng tôi luôn có mong muốn khi cuộc sống ổn định sẽ trở lại Việt Nam. Vì vậy tôi mới mua một căn condotel để đầu tư sinh lợi nhuận. Mấy ngày gần đây, khi tôi chuẩn bị ký hợp đồng mua bán thì nhân viên thủ tục của bên chủ đầu tư biết được việc tôi có cả quốc tịch nước ngoài nên nhất quyết bắt tôi mua theo thân phận người nước ngoài gốc Việt, bắt Tôi phải sử dụng passport Việt có đóng dấu nhập cảnh chứ không cho sử dụng chứng minh nhân dân và hộ khẩu Việt Nam. Tôi không đồng ý vì theo tôi hiểu pháp lý về quyền sở hữu và sử dụng nhà đất có sự khác nhau giữa người Việt có chứng minh nhân dân và hộ khẩu thường trú tại Việt Nam khác với người gốc Việt không còn sống ở Việt Nam: Một bên được sở hữu vĩnh viễn , một bên chỉ được sở hữu 50 năm. Vì vậy hai bên tranh chấp. Theo tôi thì chỉ cần tôi có chứng minh nhân dân và hộ khẩu thì có thể tính tôi là công dân Việt Nam, sống ở Việt Nam, còn việc tôi có quốc tịch khác hay không là vấn đề cá nhân. Tuy vậy nhân viên của chủ đầu tư nhất định không chịu. Vậy Xin tư vấn giúp quan điểm của tôi là đúng hay sai? Có điều luật nào có thể giúp tôi bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này không? 
Người gửi: Nguyễn Ngọc Hải
nha o 17090709252279516

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Việt Phong, về vấn đề của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung 2014;
– Luật Đất đai 2013;
– Luật Nhà ở 2014;
– Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

2. Quyền sở hữu nhà đất của người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì hiện tại bạn đang có quốc tịch nước ngoài và đã làm thủ tục xin giữ quốc tịch Việt Nam. Điều 13 Luật Quốc tịch quy định về người có quốc tịch Việt Nam như sau:
Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam 
1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này. 
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. 
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.”
Đối với trường hợp của bạn thì được xác định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi đang có quốc tịch Việt Nam và sinh sông lâu dài ở nước ngoài: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” (khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch).
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Do vậy, bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam nên bạn vẫn là công dân Việt Nam nhưng bạn cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài nên bạn thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014, điều kiện để có quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định như sau:
– Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam
– Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013:
 “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;”
Như vậy, khi bạn đáp ứng đủ điều kiện là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch cũng như đủ điều kiện sở hữu nhà ở quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì bạn có quyền sở hữu nhà, đất ở Việt Nam. 
Khi bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức quy định tại Điều 169 Luật Đất đai:
– Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;
– Nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất; cho thuê đất 
– Nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung;
Như vậy, bạn hoàn toàn được nhận quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua bán với chủ đầu tư.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ quy định thời hạn sở hữu nhà ở: “đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận” còn đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài như bạn là không hạn chế.
Để được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, bạn phải đảm bảo đủ các giấy tờ sau theo Điều 5,6 Nghị định 99/2015/ NĐ-CP:
– Giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp
– Hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Quyền sở hữu nhà đất của người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Nguyễn Hương Diền

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Quyền sở hữu nhà đất của người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

1/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề