Thắc mắc phân chia di sản thừa kế không có di chúc

Tóm tắt tình huống

Thưa luật sư! Bố chúng tôi thừa hưởng 1 ngôi nhà của ông bà nội để lại. Bố mất năm 1989 không để lại di chúc. Mẹ và 7 anh em chúng tôi thừa hưởng ngôi nhà.
Năm 1998 em trai đứng đơn đại diện xin công nhận quyền thừa kế di sản và đã đóng trước bạ di sản. Thời đó chỉ còn em trai và 1 chị gái ở lại nhà cùng bà mẹ. Những con khác đã rời Việt nam.
Năm 1999: 3 thành viên sinh sống cư ngụ trong ngôi nhà được sự đồng ý cho phép của năm thành viên thừa kế cư trú ở xứ ngoài, xây mới lại ngôi nhà với đóng góp tài chính (hơn phân nửa) của tôi.
Năm 2001: 3 thành viên này cùng tôi có 1 “Tờ cam kết ưng thuận của các đồng thừa kế về ngôi nhà”, nội dung cơ bản như sau:
– Chị cả và em trai mỗi người 1 căn nhà,
– “Căn giữa dành cho mẹ sử dụng và sở hữu. Mẹ đồng ý dành riêng phần căn nhà này cho đứt con trai (là tôi) sử dụng và sở hữu. 
Sau này được để lại cho con cháu mình thừa hưởng kế tục. Các con khác ở nước ngoài chỉ sử dụng để ở trong thời gian về VIỆT NAM thăm gia đình. 
Mẹ quyết định trong lúc trí óc sáng suốt, sức khỏe tốt.”
Tờ cam kết (không phải viết tay) có các chữ ký và vân tay, nhưng không có người chứng hay không có công chứng.
Thời điểm này, chúng tôi muốn “hợp thức hóa” ngôi nhà mới xây lạị. Lúc đó, 4 người “con khác ở nước ngoài” đã ký giấy nhượng quyền thừa kế lại cho tôi (có chứng nhận chữ ký qua cơ quan chính quyền sở tại). Nếu không, phần của 4 người “con khác ở nước ngoài” sẽ được “nhà nước quản lý”, vì họ rời VN bất hợp pháp.
Em trai năm 2007 cũng rời VN. Mẹ mất năm 2009. Mãi đến năm 2012 chị cả mới bắt đầu được việc khai nhận thừa kế với 1 văn bản thỏa thuận phân chia có công chứng như sau:
– Chị cả được hưởng nguyên 1 căn nhà (phần nhà gia đình bà đang sử dụng)
– 6 “việt kiều” (theo luật lệ hiện hành có quyền được sở hữu nhà đất) cùng sở hữu chung 2 căn nhà còn lại.
Năm 2015 nhà được cấp GCNQSDĐ & QSHN. Bà cả cũng đã tách thửa được căn nhà của mình và là người đại diện các em cư trú ở hải ngoại. Các người em này chưa được cấp giấy chủ quyền.
Thời gian qua, có ĐSH muốn sang nhượng (hoăc tặng cho) phần của mình nhưng không thực hiện được vì chúng tôi không có được 1 VBTTPCTSC mới, phân định rõ ràng phần của mỗi người. Có lẽ phải nhờ tòa án giải quyết. Tôi có vài câu hỏi sau:
1) “Tờ cam kết ưng thuận của các đồng thừa kế về ngôi nhà” bên trên có hợp pháp theo Bộ luật Dân sự 2015 không?
2) Có yêu cầu chia di sản lại theo “Tờ cam kết 4 bên” được không?  
3) Có đòi hoàn trả phần đóng góp xây dựng được không?
4) Hướng giải quyết của tòa án để các ĐSH chuyển nhượng được phần mình như thế nào?
Trân trọng cám ơn!
Người gửi: Nguyễn Nam
tu van ve viec xay nha trai phep tren phan di san thua ke chua duoc chia 10291 17080510544294728 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Công chứng năm 2014.

2. Thắc mắc phân chia di sản thừa kế không có di chúc

Theo bạn cung cấp thông tin thì bố bạn mất năm 1989 và không để lại di chúc. Vậy di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bố bạn mất mà không phân chia di sản thừa kế, sau các lần thỏa thuận và làm cam kết, các đồng thừa kế vẫn chưa có một văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế mới để phân định rõ ràng từng phần thừa kế của mỗi đồng thừa kế. Hiện tại mẹ bạn đã mất, chỉ còn chị cả ở Việt Nam và 6 đồng thừa kế khác đang ở nước ngoài. Các câu hỏi của bạn về phân chia di sản thừa kế này, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về Tờ cam kết ưng thuận của các đồng thừa kế về ngôi nhà mà bạn cung cấp thông tin có hợp pháp theo Bộ luật dân sự năm 2015 hay không?
Điều 656 – Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về họp mặt những người thừa kế như sau: 
“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản”.
Theo đó, bố bạn mất năm 1989 nhưng đến năm 1998 em trai bạn mới đứng đơn đại diện xin công nhận quyền thừa kế di sản và đã đóng trước bạ di sản.
Về Tờ cam kết ưng thuận của các đồng thừa kế về ngôi nhà, tờ cam kết này chỉ có 4 bên, tức chị cả, em trai bạn, bạn và mẹ của bạn làm tờ cam kết này. Tờ cam kết này là không hợp pháp. Theo cách hiểu này, tờ cam kết mà bạn nói có thể coi là một thỏa thuận, tuy nhiên thỏa thuận này không có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế. Tờ cam kết đó có thể không phải công chứng hay chứng thực. Tại sao lại không được coi là có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế? Vì vấn đề nhượng quyền thừa kế của bốn người đồng thừa kế đang ở nước ngoài, mặc dù có chứng thực chữ ký nhưng pháp luật không công nhận việc chuyển nhượng quyền thừa kế. Phải có một văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, phân chia rõ ràng từng phần của mỗi đồng thừa kế thì mới có thể thực hiện được quyền chuyển nhượng. Không thể tách riêng phần được hưởng thừa kế với phần quyền thừa kế, vì vậy không thể chuyển nhượng quyền thừa kế trong trương hợp này. Tuy nhiên, nếu là sự ủy quyền phân chia di sản thừa kế mà có văn bản của 4 đồng thừa kế ở nước ngoài và bạn thì ban có thể thay mặt, đại diện ủy quyền cho 4 người này tham gia việc phân chia di sản theo nội dung được ủy quyền.
Thứ hai, có yêu cầu chia di sản lại theo “Tờ cam kết 4 bên” được không?
Như đã phân tích trên, Tờ cam kết 4 bên của bạn, chị cả, em trai và mẹ của bạn không có hiệu lực. Bạn không thể thay mặt 4 đồng thừa kế còn lại được trừ khi được ủy quyền vì ở đây không thực hiện được việc nhượng quyền thừa kế. Chia di sản thừa kế theo pháp luật, nếu có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó có thể tặng cho 1 phần hoặc toàn bộ di sản cho đồng thừa kế khác. Văn bản thỏa thuận phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng thừa kế và được công chứng hay chứng thực. Tại khoản 1 – Điều 57 – Luật công chứng năm 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau: 
“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác”.
Như vậy, trường hợp này không thể phân chia di chúc theo tờ cam kết 4 bên đó được. 
Thứ ba, có đòi hoàn trả phần đóng góp xây dựng được không?
Theo như bạn cung cấp thông tin thì 5 đồng thừa kế ở nước ngoài đồng ý cho mẹ của bạn, chị cả và em trai của bạn ở căn nhà đó. Có thể coi ở đây là vừa sinh sống tại căn nhà và quản lý di sản của bố, có nghĩa vụ bảo quản di sản vì các đồng thừa kế không có thỏa thuận cử người quản lý di sản. Theo quy định tại khoản 2 – Điều 616 – Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: “Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản”. Bạn mặc dù ở nước ngoài nhưng có công đóng góp và phần lớn là tài chính của bạn đóng góp vào việc xây mới căn nhà nên bạn và những người bảo quản, quản lý di sản được quyền hưởng chi phí quản lý, chi phí bảo quản di sản thừa kế của bố bạn. Theo điểm c – khoản 2 – Điều 618 – Bộ luật dân sự quy định quyền của người quản lý di sản: “Được thanh toán chi phí bảo quản di sản”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 658 – Bộ luật dân sự quy định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau: 
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác”.
Như vậy, bạn và những người quản lý di sản sẽ được thanh toán chi phí bảo quản di sản là việc bảo quản, không làm mất giá trị mà cải tạo, nâng cao giá trị căn nhà. 
Thư tư, hướng giải quyết của tòa án để các ĐSH chuyển nhượng được phần mình như thế nào?
Ngôi nhà là tài sản riêng của bố bạn, theo Điều 43 – Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về tài sản riêng của vợ chồng thì do bố của bạn được thừa hưởng ngôi nhà từ ông bà nội bạn để lại thì đây là tài sản riêng được thừa kế của bố bạn trong thời kỳ hôn nhân. Do không phải tài sản chung giữa bố và mẹ bạn nên ngôi nhà không phải chia đôi khi bố bạn mất để chia di sản thừa kế từ phần chia đôi đó cho mỗi đồng thừa kế. 
Điều 651 – Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
[…]
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
[…]”.
Theo đó, di sản của bố bạn sẽ được chia cho mẹ bạn và 7 người anh em bạn. Những người hưởng thừa kế theo pháp luật như trên sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, các đồng thừa kế có thể làm văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung để cùng thỏa thuận phân chia di sản và phải được công chứng, chứng thực. Đến thời điểm năm 2012, chị cả của bạn làm văn bản khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và được công chứng, chứng thực; do mẹ của bạn không còn sống đến thời điểm đó nên di sản sẽ được chia theo pháp luật cho 7 người anh em bạn. Theo văn bản thỏa thuận đã được công chứng thì chị bạn được hưởng 1 căn nhà mà trước đây đã ở đó. 6 người còn lại được hưởng chung 2 căn nhà còn lại, tuy nhiên lại chưa có một văn bản thỏa thuận phân chia rõ ràng phần di sản được hưởng giữa 6 người. Bây giờ các đồng sử hữu 2 căn nhà này muốn chuyển nhượng phần của mình nhưng chưa văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung mới. Nếu được giải quyết tại Tòa án để thực hiện quyền chuyển nhượng của mình thì mỗi đồng sở hữu sẽ được hưởng phần di sản là như nhau vì cùng hàng thừa kế. Căn nhà là bất động sản nên việc phân chia di sản có thể được giải quyết theo khoản 2 – Điều 660 – Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia di sản theo pháp luật như sau: “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia”. Theo đó, các đồng sở hữu sẽ thỏa thuận với nhau để có người đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, và phải thanh toán một số tiền tương ứng với phần di sản của những người kia được hưởng. 
Trường hợp nếu có đồng sở hữu muốn chuyển nhượng phần được hưởng của mình cho người khác thì phải có sự đồng ý của các đồng sở hữu khác; bởi đây là sở hữu chung hợp nhất của 6 người đối với 2 căn nhà. Theo quy định tại khoản 1 – Điều 210 – bộ luật dân sự 2015 quy định đây là tài sản chung hợp nhất và theo quy định tại khoản 2 – Điều 218 – Bộ luật dân sự về định đoạt tài sản chung như sau: “Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. 
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Thắc mắc phân chia di sản thừa kế không có di chúc. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Hoàng Thị Nụ

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Thắc mắc phân chia di sản thừa kế không có di chúc
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề