Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi:

Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?

Chào luật sư. Tôi có câu hỏi muốn hỏi Luật sư mong luật sư tư vấn giúp. Do bạn tôi muốn thành lập một công ty nhưng vì không biết thủ tục thành lập như thế nào nên bạn tôi đã đưa cho tôi một khoản tiền nhờ tôi đứng ra thành lập giúp công ty và mang tên  tôi. Công ty mới thành lập 1 tuần thì phải đóng cửa. Khi công an điều tra thì phát hiện ra số tiền mà bạn tôi đưa tôi để thành lập công ty do phạm pháp mà có. Khi bạn tôi đưa tiền nhờ tôi thành lập công ty tôi không hề biết số tiền đó do phạm tội mà có. Xin hỏi Luật sư tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Khả năng lớn nhất là tôi sẽ phạm những tội gì? Tôi xin cảm ơn Luật sư!

Người gửi: Bùi Quyết Tuấn (HY)

Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?

 

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

– Bộ Luật Dân sự năm 2005.

– Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng  Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định về tội phạm rửa tiền

2/ Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?

Theo như thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

Thứ nhất, về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009)

Tại Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d) Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. v.v…Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự. Như vậy, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bị xử phạt với từng mức phạt tương ứng với giá trị tài sản tiêu thụ theo quy định trên

Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 250 BLHS quy định “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” như vậy, chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này trong trường hợp biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có. Trường hợp không biết được đó là tài sản do phạm tội có được thì việc tiêu thụ chỉ là 1 giao dịch dân sự thông thường, sau khi biết tài sản đó là tài sản phạm tội có được thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu và các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005). Ở đây, vì bạn không nhận một khoản thù lao nào nên đương nhiên không phải trả “những gì đã nhận” theo quy định của pháp luật.

Thứ 2, về Tội tẩy rửa tiền (Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009)

Căn cứ theo quy định tại “Điều 251. Tội rửa tiền Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền,tài sản biết rõ là do phạm tội mà cónhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền,tài sản biết rõ là do phạm tội mà cóvào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn;

g) Thu lợi bất chính lớn;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Pháp luật Việt Nam đã đề cập đến hai loại hành vi: loại hành vi thứ nhất là hành vi hợp pháp hoá tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm và loại hành vi thứ hai là hành vi sử dụng tiền, tài sản đó để tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác.

Tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng  Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định về tội phạm rửa tiền như sau:

“2. Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác là việc dùng tiền, tài sản đó vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thành lập công ty, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản dưới các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.”

Theo quy định trên thì chủ thể biết rõ là phạm tội mà có là chủ thể thứ 3 sử dụng số tiền phạm pháp để giúp chủ thể có được số tiền phạm pháp tham gia vào một hoạt động kinh doanh…

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn không hề biết về số tiền thành lập công ty giúp bạn của bạn là do phạm pháp mà có. (Và trên thực tế rất khó để tòa án có thể chứng minh được việc bạn biết hay không biết số tiền mà bạn giúp bạn của bạn thành lập công ty là do phạm tội mà có hay không). Bạn đã giúp bạn của bạn thành lập công ty theo đúng trình tự thủ tục của luật Doanh nghiệp đồng thời công ty đã đi vào hoạt động được 01 tuần. Điều này có nghĩa bạn không có lỗi trong việc này. Do đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội rửa tiền. Như vậy, bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào? Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Thành lập công ty trên số tiền của bạn do phạm tội mà có bị xử lý như thế nào?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề