Trách nhiệm pháp lý khi chấm dứt hợp đồng lao động và tham gia BHXH không đúng mức

Kính gửi công ty Luật Việt Phong !
Dưới đây là nội dung cần quý công ty tư vấn:
Chị A hiện đang nuôi con nhỏ 8 tháng, làm tại Công ty Mobiistar từ ngày 20/09/2016 vị trí trợ lý giám đốc sản phẩm, tháng 07/2017 chị A mang thai và tháng 03/2018 nghỉ thai sản, đến tháng 09/2018 công ty nói do công ty kinh doanh khó khăn nên cắt giảm nhân viên và đuổi việc chị A, hợp đồng thời hạn 12 tháng chị A ký lần 2 với công ty kết thúc ngày 15/11/2018, chị A nói theo luật thì công ty không được sa thải phụ nữ nuôi con nhỏ nên họ gọi chị A quay lại làm và đến ngày 01/11/2018, họ nói hết ngày 15/11 sẽ chính thức cho chị A thôi việc và không có bất cứ hỗ trợ nào. Ngoài ra lương chính thức của chị A là 10 triệu/tháng nhưng công ty chỉ đóng Bảo hiểm 5 triệu/tháng nên tiền thai sản chị A chỉ nhận được 30 triệu, công ty cũng không hỗ trợ chi trả phần lương chênh lệch cho chị A. Vậy công ty làm vậy thì chị A phải làm gì?
Trên đây là nội dung mà người lao động gửi đến cho CDI.
Rất mong nhận được phản hồi sớm từ quý công ty!
Trân trọng,

Minh Anh

Căn cứ pháp lý

152 mau quyet dinh cham dut hdld moi 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: từ những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy bạn đang gặp vướng mắc trong vấn đề pháp lý liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động.

Dựa theo thông tin được cung cấp hiện có 2 vấn đề đang gây thắc mắc, đó là:
– Chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ đang trong chế độ thai sản
– Mức hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia chế độ bảo hiểm bắt buộc của người lao động.

  • Vấn đề đầu tiên, theo pháp luật về lao động, căn cứ theo khoản 3 điều 155 BLLĐ 2012 quy định về trường hợp người sử dụng lao động sẽ không được phép tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, theo đó:

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động….
Như vậy, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ không được phép chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra, trong trường hợp người sử dụng lao động tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động, tuỳ thuộc vào căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như:

– Nếu chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 36 BLLĐ 2012 thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc căn cứ theo điều 48 BLLĐ 2012 quy định:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

– Nếu chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 44, 45 BLLĐ 2012 thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm được quy định tại điều 49 BLLĐ 2012:

Điều 49. Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Hướng dẫn chi tiết cụ thể cho điều 48, 49 BLLĐ 2012 và để đảm bảo thuận lợi cho việc giải quyết các chế độ ưu đãi cho người lao động, tại điều 14 Nghị định 05/2015 quy định:

Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó: 
a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động. 
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp; 
c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
4. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trong một số trường hợp đặc biệt được quy định như sau:
a) Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương;
b) Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
c) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
6. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.
  • Vấn đề tiếp theo, căn cứ theo quy định về bảo hiểm xã hội, việc tham gia ký kết hợp đồng lao động từ 2016 và song song theo đó là tham gia chế độ BHXH, tho quy định tại điều 17 Nghị định 115/2015:
Điều 17. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Quy định hướng dẫn cho điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, tại khoản 2 điều 89 Luật bảo hiểm xã hội quy định:

Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động….

Theo đó, căn cứ vào mức lương người lao động được hưởng hàng tháng thì người sử dụng lao động và người lao động sẽ có mức đóng và trách nhiệm đóng khi tham gia BHXH được quy định tại điều 5 Quyết định 595/2017/1QĐ-BHXH:

Điều 5. Mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động
1.1. Người lao động quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Mức đóng và trách nhiệm đóng của đơn vị tại Khoản 3 Điều 4
2.1. Đơn vị hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4 như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ trái với quy định pháp luật và có sai phạm khi tham gia chế độ BHXH, người vi phạm – người sử dụng lao động bị xử phạt hành chính căn cứ theo điểm e khoản 2 điều 18 Nghị định 95/2013 quy định:

Điều 18. Vi phạm quy định về lao động nữ
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:…
e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

và theo điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định:

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;…

Như vậy, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của bên yếu thế trong quan hệ lao động – người lao động, trong trường hợp này, bên bị vi phạm – người lao động có thể thực hiện thủ tục khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở của công ty để giải quyết căn cứ theo điều 36 Nghị định 95/2013 quy định:

Điều 36. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội;
c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này….
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về vấn đề pháp lý liên quan đến  tham gia chế độ BHXH và chấm dứt hợp đồng của người lao động. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Đức Luân

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề