Trách nhiệm pháp lý khi không trả nợ đúng hạn

Em có vay bên công ty tài chính Fe credit tiền mỗi tháng phải trả là 2.800.000đ. Thời hạn vay trong vòng 30 tháng, em đã trả được 16 tháng nhưng hiện giờ khó khăn nên em không trả được và bên Fe đã nhắn tin cho em là chiếm đoạt tài sản. Tính đến hiện tại, em đang nợ bên Fe tiền 2 tháng. Bên Fe đã nhắn tin và điện thoại hăm doạ em, người thân của em. Theo pháp luật thì em cần phải làm như thế nào ạ?

Huỳnh Thị Kim Thảo

Căn cứ pháp lý:

dad1 bgxu 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến nghĩa vụ trả nợ.

Trước tiên, dựa theo thông tin được cung cấp và áp dụng vào sự việc này, giữa bạn và công ty FE credit tồn tại một giao dịch dân sự đó là hợp đồng vay tài sản. Căn cứ theo điều 463 BLDS 2015 quy định:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, hợp đồng vay tài sản sẽ làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng. Theo đó, bên vay có nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điều 466 BLDS 2015:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo quy định trên, trường hợp người vay tài sản khi đến hạn mà không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ thì bên cho vay có quyền phạt vi phạm và yêu cầu trả lãi suất dựa trên số tiền chậm trả. Mức lãi suất được xác định theo điều 468 BLDS 2015 quy định:

Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Trên đây là căn cứ xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vay tài sản.

Tiếp theo liên quan đến việc phía công ty Fe credit nhắn tin là bạn đã chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, hành vi của bạn “có thể” đủ yếu cấu thành tội phạm theo điều 175 BLHS 2015 quy định:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 
Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi người vay, mượn tài sản cố tình không trả lại tài sản mặc dù có điều kiện. Trong trường hợp này, nếu có chứng cứ ( được thu thập theo luật tố tụng hình sự ) chứng minh do điều kiện khách quan dẫn đến việc không thể trả nợ đúng hạn như theo cam kết thì được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Cuối cùng liên quan việc nhắn tin đe doạ và xúc phạm nhân phẩm danh dự, căn cứ theo điểm l khoản 3 điều 5 mục I nghị định 167/2013 quy định:

MỤC 1. VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;…
Theo đó, bạn có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý đối với cá nhân có hành vi xuyên tạc và vu cáo người khác.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng dân sự. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Đức Luân

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề