Trách nhiệm pháp lý khi không trả nợ đúng hạn

Posted on Tư vấn luật dân sự 266 lượt xem

Tôi muốn hỏi Luật sư vấn đề như sau:Năm 2017 tôi có mượn của bạn tôi 150 triêu với lãi suất 50.000 đồng/1 triệu / 1 tháng. Thời gian đầu tôi trả tiền lãi đàng hoàng mỗi tháng là 7.500.000 đồng tiền lãi. Nhung qua tháng 8/2018 tôi làm ăn thua lỗ nên tháng 9,10,11 năm 2018 tôi chưa trả tiền lãi và gốc còn nguyên 150 triệu. Bạn tôi hăm dọa nếu tôi không trả 3 tháng tiền lãi sẽ kiện tới cơ quan nơi tôi làm việc. Tôi là giáo viên biên chế nên tôi rất sợ bị mất việc. Còn bạn tôi làm công chức nhà nước ở UBND tỉnh. Cho tôi hỏi giờ tôi không còn tài sản gì cả để trả nợ. Nếu bạn tôi tới cơ quan tôi kiện thì tôi có bị đuổi việc không? Tôi rất có thành ý muốn thương lương để xin trả nợ gốc mỗi tháng một ít nhưng bạn tôi gọi đt khủng bố đòi hết gốc và bắt phải trả 3 tháng tiền lãi. Xin luật sư cho tôi một câu giải đáp càng sớm càng tốt. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Ngo Thi Thu Hien

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
– Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về trách nhiệm dân sự khi không trả nợ đúng hạn. 

Theo quy định của pháp luật áp dụng vào trường hợp này bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 175 BLHS:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Theo đó, dựa trên thông tin được cung cấp do làm ăn thua lỗ – trở ngại khách quan dẫn đến việc chưa đủ khả năng để thanh toán khoản tiền đã vay cho nên hành vi của bạn không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 175.

Liên quan đến trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo điều 357 BLDS quy định:

Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Khi đó, do bạn chậm trả tiền nên bạn phải thực hiện trả lãi với mức phát sinh không vượt quá mức lãi suất quy định. 

Như bạn trình bày thì bạn là giáo viên, tuy nhiên không nói rõ nên chúng tôi xác định bạn có thể là công chức hoặc viên chức (nếu là giáo viên trường công) hoặc là người lao động (nếu là giáo viên trường tư). Do đó, về việc mà bạn lo lắng là sẽ bị mất việc tức là bị buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc (chỉ áp dụng với viên chức) hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (áp dụng với giáo viên là người lao động) thì chúng tôi xác định như sau:

– Trường hợp bạn là công chức: theo điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức như sau:

Điều 14. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

– Trường hợp bạn là viên chức căn cứ điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về điều kiện áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức như sau:

Điều 13. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

Như vậy, dù là viên chức hay công chức, với hành vi vay tiền chậm trả thì bạn sẽ chỉ bị ” buộc thôi việc” nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành và bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù mà không được hưởng án treo. Do bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên bạn sẽ không thuộc trường hợp buộc thôi việc.

Tổng kết lại thì dù bạn thuộc trường hợp là công chức, viên chức hay người lao động thì nhìn chung bạn sẽ chỉ bị mất việc (theo hình thức buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng) nếu hành vi vay tiền chậm trả của bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kết án phạt tù không được hưởng án treo. (nếu bạn không thuộc trường hợp này mà nhà trường vẫn lấy căn cứ để đuổi việc bạn thì bạn có thể khiếu nại, khởi kiện quyết định, hành vi đó để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình). Nếu hành vi của bạn không thuộc trường hợp trên thì việc này sẽ không làm bạn mất việc, tuy nhiên, dù sao đi nữa thì nếu bị kiện thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật dân sự do đó dù không bị mất việc thì bạn cũng có thể bị đơn vị sự nghiệp công lập kiểm điểm về hành vi vi phạm pháp luật đồng thời việc này cũng có thể làm giảm uy tín nghề nghiệp giáo viên của bạn, do đó, bạn nên trao đổi, thỏa thuận với chủ nợ để tránh tình huống kiện tụng xảy ra.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về trách nhiệm dân sự khi không trả nợ đúng hạn. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thanh Hương

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề