Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp

Posted on Tư vấn luật doanh nghiệp 210 lượt xem

Nội dung tư vấn:

Trong hoạt động góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, các chủ thể có thể sử dụng nhiều loại tài sản góp vốn khác nhau, trong đó có quyền sử dụng đất. Các cá nhân muốn góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không rõ trình tự, thủ tục thực hiện góp vốn như thế nào. Nhằm hỗ trợ khách hàng, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp.

Luật sư tư vấn:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật đất đai 2013
  • Luật Doanh nghiệp năm 2020
  • Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy đinh về hồ sơ địa chính
  • Thông tư 33/2017/TT- BTNMT quy định chi tiết nghị định số 01/2017/ND-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành luật đất đai

Điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp

Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất cụ thể như sau:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện được quy định nêu trên thì bạn có thể thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi thành lập doanh nghiệp

Bước 1: Định giá tài sản góp vốn

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tài sản góp vốn phải được định giá, trừ tiền (bao gồm cả tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tự do chuyển đổi) và vàng (quy định tại Khoản 1 Điều 36).

Tài sản góp vốn được định giá trên cơ sở những tiêu chí cụ thể như sau:

+ Tài sản góp vốn có thể được các thành viên góp vốn của công ty định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc bỏ phiếu.

+ Thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

Bước 2: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT; sửa đổi bởi khoản 2, điều 7 thông tư 33/2017/TT- BTNMT, người thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

“2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:

a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

d) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;

đ) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất. 

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, người sử dụng đất có thể làm thủ tục góp vốn vằng quyền sử dụng đất của mình để thành lập doanh nghiệp.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra thẩm định hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 3: Trả kết quả.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng đất.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề