Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Hoạt động xử lý chất thải nguy hại là hoạt động phức tạp phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chặt chẽ , việc xử lý chất thải nguy hại phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Việt Phong xin tư vấn trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại như sau:
61 1

1. Hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

– Thành  phần hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (A.1) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
+ 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là báo cáo ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
+ 01 (một) bản sao văn bản về quy hoạch có nội dung quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
+ Các giấy tờ pháp lý đối với trạm trung chuyển chất thải nguy hại (nếu có) quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
+ Các mô tả, hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
+ Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (C) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT. Kế hoạch vận hành thử nghiệm được đóng quyển riêng với bộ hồ sơ đăng ký.
– Số lượng hồ sơ: 02 bộ

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Bước 1. Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 02 (hai) bộ hồ sơ theo quy định đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức, cá nhân lựa chọn nộp 02 (hai) bản kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại đồng thời hoặc sau thời điểm nộp hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.
Bước 2. Xem xét kế hoạch vận hành thử nghiệm
Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét và có văn bản chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại:
– Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc xem xét nội dung hồ sơ đăng ký theo quy định (hoặc kể từ ngày nhận được bản kế hoạch vận hành thử nghiệm trong trường hợp nộp sau khi kết thúc thời hạn xem xét nội dung hồ sơ), Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại và thông báo để tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung nếu nội dung không đầy đủ, phù hợp với cơ sở xử lý chất thải nguy hại;
– Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc xem xét kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (D) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT với thời gian thử nghiệm không quá 06 (sáu) tháng (kèm theo 01 (một) bản kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại được Sở Tài nguyên và Môi trường đóng dấu xác nhận).
Bước 3. Vận hành thử nghiệm
Sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đăng ký cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo quy định như sau:
– Được phép tạm thời thu gom, vận chuyển hoặc tiếp nhận chất thải nguy hại để vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại;
– Thực hiện lấy mẫu quan trắc môi trường ít nhất 03 (ba) lần tại các thời điểm khác nhau. Chỉ lấy mẫu quan trắc môi trường khi các hệ thống, thiết bị xử lý hoạt động ở công suất tối đa. Trường hợp cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đột xuất cơ sở và lấy mẫu giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại;
– Trường hợp có nhu cầu gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại thì phải có văn bản giải trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày hết hạn ghi trong văn bản chấp thuận; việc vận hành thử nghiệm không được gia hạn quá 01 (một) lần trừ trường hợp bất khả kháng;
– Trường hợp phát hiện nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà không có biện pháp khắc phục ngay thì phải tạm ngừng hoạt động các hệ thống, thiết bị xử lý để có phương án giải quyết trước khi vận hành trở lại theo kế hoạch đã được phê duyệt và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bước 4. Nộp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm
Sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại, tổ chức, cá nhân nộp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm theo quy định sau đây:
– Nộp 02 (hai) bản báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (Đ) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày có văn bản chấp thuận mà không có báo cáo hoặc không có văn bản đăng ký gia hạn hoặc giải trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thì phải đăng ký vận hành thử nghiệm lại;
– Trường hợp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, có nội dung không đầy đủ hoặc chưa hoàn thiện thì trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân để điều chỉnh, hoàn thiện hoặc vận hành thử nghiệm lại.
Bước 5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện và cấp phép xử lý CTNH:
Sau khi nhận được báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm xử lý CTNH, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý CTNH, trạm trung chuyển CTNH (nếu có), đồng thời lựa chọn tiến hành một trong hai hoạt động sau để đánh giá điều kiện cấp Giấy phép xử lý CTNH:
– Thành lập Nhóm tư vấn kỹ thuật về việc cấp phép xử lý CTNH (thành phần bao gồm các chuyên gia về môi trường và các lĩnh vực có liên quan khác);
– Tổ chức lấy ý kiến của chuyên gia hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản hoặc kết hợp trong biên bản kiểm tra.
Bước 6. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Sau khi nhận hồ sơ đăng ký hoàn thiện theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý CTNH theo mẫu tại Phụ lục 5.E.  Trường hợp quá 06 (sáu) tháng mà tổ chức, cá nhân không nộp lại hồ sơ hoặc không có văn bản giải trình hợp lý theo quy định thì hồ sơ đăng ký được xem xét lại từ đầu.
Lưu ý:
– Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có 02 (hai) bản gốc theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (E) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT: 01 (một) bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến chủ xử lý chất thải nguy hại và 01 (một) bản lưu tại cơ quan cấp phép;
– Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thời hạn hiệu lực là 03 (ba) năm kể từ ngày cấp kèm theo bộ hồ sơ đăng ký được cơ quan cấp phép đóng dấu xác nhận;
– Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có 01 (một) mã số quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
– Trong quá trình tiến hành thủ tục, nếu quá 06 (sáu) tháng mà tổ chức, cá nhân không nộp lại hồ sơ hoặc không có văn bản giải trình hợp lý theo quy định thì hồ sơ đăng ký được xem xét lại từ đầu.

3. Phương thức tiếp cận dịch vụ tại Luật Việt Phong

– Tư vấn trực tiếp và thực hiện dịch vụ pháp lý tại văn phòng cho quý khách hàng có điều kiện thời gian đến trụ sở công ty Luật Việt Phong yêu cầu tư vấn;
– Tư vấn qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: Quý khách hàng ở xa hoặc không có thời gian đến tư vấn trực tiếp có thể liên hệ tổng đài luật sư 1900 6589, Quý khách hàng chỉ cần nhấc điện thoại và Gọi 1900 6589 sau khi kết nối sẽ được luật sư tư vấn chu đáo, tận tình theo quy định pháp luật;
– Tư vấn qua Email bằng hình thức liên hệ đến hòm thư luatsu@luatvietphong.vn Luật sư tiếp nhận thông tin và phản hồi tư vấn trong vòng 03 ngày làm việc