Xử lý thế nào khi công ty chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Kính gửi công ty Luật Việt Phong, kính mong Luật sư tư vấn giúp:
Câu hỏi của một công nhân nam: Thời điểm 8/8/2018, nhóm em gồm khoảng 50 công nhân được công ty Môi giới Huvaco tuyển dụng cho công ty Inotek (sản xuất camera) vào để làm thời vụ 3 tháng. Trong thời gian này, công ty Inotel cho biết, công ty trả lương, và đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân nhưng thông qua công ty Huvaco. Vì vậy, công nhân mỗi tháng bị trừ 1.7 triệu tiền đóng bảo hiểm nhưng trên thực tế, công ty Hovaco lại không đóng (tra số chứng minh thư thì đúng là không thấy có sổ bảo hiểm) Sau khi hết 3 tháng thời vụ, công ty Inotek nhận các công nhân này vào làm chính thức nhưng công ty Huvaco lại nói với công nhân rằng, Inotek không ký tiếp hợp đồng với công nhân thời vụ nữa. Với Inotek thì Huvaco nói công nhân không muốn làm tiếp. Do vậy, nhóm công nhân thời vụ không biết, công ty Inotek cũng không biết và hai bên đã chấm dứt hợp đồng thời vụ. Hiện nay, nhóm công nhân thời vụ đã nhiều lần đối chất với bà chủ tịch của Inotek, đề nghị công ty phải đóng bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm của nhóm công nhân thời vụ nhưng không được giải quyết. Vì vậy, công nhân thời vụ có thể làm gì để lấy lại tiền bảo hiểm của mình? Hợp đồng và bảng lương của công nhân, Huvaco chỉ cho công nhân xem và lấy lại chứ không đưa cho các bạn công nhân giữ. Công nhân có thể kiện Huvaco không?

Trung tâm CDI

Căn cứ pháp lý

trang5 111b zhth 1 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp lao động.

Dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo pháp luật về lao động, trong sự việc này đã xảy ra tranh chấp lao động giữa tập thể người lao động làm việc theo thời vụ với công ty môi giới lao động và người sử dụng lao động liên quan đến chế độ tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, căn cứ theo điều 99 BLLĐ 2012 quy định:

Điều 99. Trả lương thông qua người cai thầu
1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ theo các quy định về bảo hiểm xã hội, tại khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Theo đó, người lao đông làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được quyền và có nghĩa vụ tham gia chế độ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên theo thông tin ban đầu là việc trả lương cho nhóm người lao động vẫn được đảm bảo thực hiện liên tục hàng tháng từ người sử dụng lao động nhưng không chi trả trực tiếp cho người lao động mà thông qua người cai thầu thực hiện. Hành vi này là không trái căn cứ theo các quy định pháp luật dân sự về giao kết, thực hiện giao dịch có liên quan đến hợp đồng lao động.

Từ các căn cứ trên, để đảm bảo quyền và lợi ích của bên yếu thế trong quan hệ lao động là người lao động trong trường hợp này, trước hết người cai thầu hoặc có vai trò trung gian phải có trách nhiệm trong việc chi trả tiền lương, đảm bảo sự tham gia các quyền lợi BHXH của người lao động theo đúng quy định pháp luật. Nếu trong trường hợp người cai thầu trốn tránh trách nhiệm thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện việc chi trả tiền lương và các quyền lợi khác.

Tiếp theo liên quan đến thắc mắc về việc đã trừ tiền lương mỗi tháng của người lao động để đóng tiền tham gia chế độ bảo hiểm xã hội nhưng không thấy kê khai trong sổ bảo hiểm xã hội. Căn cứ theo điều 26 Nghị định 95/2013 quy định:

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Theo đó, trong trường hợp có căn cứ về việc người có trách nhiệm tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không thực hiện hoặc chậm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định về BHXH thì người lao động được quyền khiếu nại, tố cáo đến cơ quan Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đặt trụ sở hoặc nơi cư trú của cá nhân có trách nhiệm giải quyết căn cứ theo khoản 2 điều 36 Nghị định 95/2013 quy định:

Điều 36. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội;
c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.

Ngoài ra, 1 phương thức khác để đảm bảo quyền lợi cho người lao động có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi tổ chức cai thầu đặt trụ sở căn cứ theo điều 36 BLTTDS 2015 quy định:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Quy định hướng dẫn cho điều 36 BLTTDS,  tại điều 32 BLTTDS hướng dẫn về các tranh chấp lao động được quyền khởi kiện tại Toà án, theo đó:

Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;…
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về các vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thu Thuỷ

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề