Có bắt buộc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung trong xử lý vi phạm hành chính?

Nội dung câu hỏi

Hình phạt trục xuất theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP là hình phạt bổ sung có bắt buộc hay không?

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Việt Phong! Về vấn đề của bạn, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

Quy định về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung

Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:

“1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;

b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.”

Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng như sau:

“1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

đ) Trục xuất.

2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

3. Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.

Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.”

Khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại:

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.”

Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020, hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bởi mục đích của việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung trong vi phạm xảy ra ở lĩnh vực hành chính là nhằm tăng cường, củng cố tính răn đe của hình thức xử phạt chính, hạn chế người vi phạm có hành vi tái phạm. Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Do vậy, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất quy định tại khoản 8 ĐIều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP không phải là bắt buộc mà phụ thuộc vào mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính.

5/5 - (2 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề