Hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm?

Tóm tắt câu hỏi:

Kính chào Luật sư Công ty Luật Việt Phong! Tôi rất mong Công ty trả lời giúp tôi câu hỏi sau: Tôi đi đường thấy bạn của tôi đang đánh nhau với một người khác ở đường, thấy vậy tôi xuống xe cùng bạn tôi đánh người kia! Sau đó, chúng tôi bị công an bắt đưa về Phường, công an nói tôi và bạn tôi là đồng phạm đánh người kia bị thương! Tôi muốn hỏi Luật sư, vậy trường hợp của tôi và bạn tôi có bị coi là đồng phạm hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Vũ Nhật Anh (Hưng Yên)

Hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm?

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của anh, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho anh như sau:

1/ Căn cứ pháp lý.

– Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

2/ Hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm?

Thứ nhất, khái niệm về đồng phạm.

Căn cứ tại khoản 1, Điều 20, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

 “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Từ khái niệm đồng phạm nói trên có thể hiểu đồng phạm là một thể thống nhất không thể tách rời của những yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có những yếu tố quan trọng nhất như: có từ hai người trở lên tham gia; cùng chung hành động với nhau, cùng cố ý.

* Những dấu hiệu khách quan:

– Có sự tham gia của hai người trở lên vào việc thực hiện một tội phạm. Đây là dấu hiệu bắt buộc thuộc về mặt khách quan của đồng phạm, nếu thiếu dấu hiệu về số lượng người tham gia thực hiện một tội phạm thì sẽ không có cấu thành đồng phạm.

Trong đồng phạm, những người tham gia thực hiện tội phạm đều phải có đủ điều kiện về chủ thể của tội phạm, tức là họ phải có năng lực TNHS đạt đủ độ tuổi theo quy định BLHS. Riêng đối với người thực hành còn phải có thêm dấu hiệu của chủ thể đặc biệt nếu cấu thành tội phạm của tội mà cả bọn cùng tham gia thực hiện đòi hỏi, ví dụ như tội “tham ô tài sản”, “tội hiếp dâm”… Ngoài ra, mỗi người đều phải có hành vi tham gia vào tội phạm. Những hành vi này có thể là hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm,hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hoặc là hành vi giúp sức. Nếu không có một trong các loại hành vi này thì không thể coi là cùng tham gia thực hiện một tội phạm và như vậy không thể coi là đồng phạm được.

– Có sự cùng chung hành động (hay liên hiệp hành động) của những người tham gia vào việc thực hiện một tội phạm.

Đồng phạm đòi hỏi những người cùng tham gia một tội phạm phải cùng chung thực hiện một tội phạm cố ý, có nghĩa là những hành vi có tính nguy hiểm đáng kể của họ được thực hiện trong mối liên kết thống nhất, qua lại với nhau.

Hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung và là điều kiện cho hành vi của người khác, có ảnh hưởng tác động đến hành vi đó, làm cho nó thay đổi về chất, có hiệu quả hơn. Hành vi của mỗi người là một khâu cần thiết cho hoạt động phạm tội chung của cả bọn, nó đều “nhằm thực hiện một tội phạm nhất định và để đạt được một kết quả phạm tội thống nhất”. Trong trường hợp đồng phạm giản đơn, có thể mỗi người đồng phạm thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong CTTP cụ thể, nhưng cũng có trường hợp họ chỉ thực hiện một phần của hành vi đó và tổng hợp các hành vi của những người đồng phạm tạo thành một hành vi phạm tội chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu của một CTTP cụ thể.

Trong hình thức đồng phạm phức tạp quan hệ tác động lẫn nhau giữa các hành vi của những người đồng phạm thể hiện rất rõ ràng. Hành vi xúi giục làm cho người trực tiếp thực hiện tội phạm nảy sinh ý định phạm tội và thực hiện ý định đó. Ngược lại, hành vi phạm tội của người thực hành làm cho hành vi xúi giục phát huy tác dụng nguy hại của nó. Hành vi của người giúp sức tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi của người thực hành đạt kết quả.

Hành vi của mỗi người đồng phạm có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện hành vi phạm tội chung và với hậu quả phạm tội chung. Hậu quả phạm tội là kết quả chung do hoạt động của tất cả những người cùng tham gia thực hiện tội phạm đưa lại. Hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả chung, còn hành vi của những người khác thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả đó. Nếu không có mối quan hệ nhân quả này thì không có đồng phạm. vì vậy, những hành vi của người tổ chức, người xúi giục bao giờ cũng xảy ra trước hành vi của người thực hành. Còn hành vi giúp sức có thể xảy ra trước hoặc đồng thời với hành vi phạm tội của người thực hành, nhưng không khi nào xảy ra sau khi hành vi phạm tội của người thực hành đã kết thúc.

Nếu không có mối quan hệ nhân quả này, thì không có đồng phạm.

* Những dấu hiệu chủ quan của đồng phạm:

– Có sự cùng cố ý của những người tham gia thực hiện tội phạm:

Dấu hiệu đặc trưng thuộc mặt chủ quan của đồng phạm là phải có sự cùng cố ý của tất cả những người đồng phạm để tham gia vào thực hiện một tội phạm cố ý. Đây là dấu hiệu chủ quan bắt buộc của đồng phạm, nếu thiếu dấu hiệu này sẽ không có đồng phạm. “Sự cùng cố ý phạm tội làm cho ý chí của những người đồng phạm được thống nhất với nhau và hành động phạm tội của mỗi người đều thống nhất trong sự chi phối chung của sự cùng cố ý phạm tội”. sự cùng cố ý trong tội phạm được thể hiện như sau:

+, Về lý trí: Mỗi người đồng phạm trong việc thực hiện tội phạm đều nhận thực được rõ hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó, nhận thức được tính chất của tội phạm họ tham gia thực hiện và hậu quả của nó, đồng thời những người đồng phạm đều phải biết được hoạt động phạm tội của nhau và mong muốn những người đồng phạm cùng hành động với mình.

Nếu người phạm tội chỉ biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình thì không thỏa mãn dấu hiệu cùng cố ý cho nên không phải là đồng phạm mà là trường hợp phạm tội độc lập.

+, Về ý chí: Tuy nhận thức được như trên nhưng những người đồng phạm vẫn thực hiện hành vi của mình vì mong muốn có hoạt động phạm tội chung và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Theo Luật hình sự Việt Nam thì đồng phạm chỉ đặt ra đối với những trường hợp cùng phạm tội cố ý. Ở những tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý người phạm tội không có ý định phạm tội, không có sự bàn bạc thỏa thuận cùng nhau thực hiện tội phạm, không mong muốn hoặc không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Giữa họ không có sự cùng cố ý, nên trong trường hợp này không có đồng phạm xảy ra. Nếu nhiều người cùng có hành vi nguy hiểm cho xã hội tại cùng một thời gian, địa điểm hoặc tác động nên cùng một đối tượng gây hậu quả nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì mỗi người phải chịu TNHS độc lập về hành vi vô ý phạm tội của mình.

– Mục đích trong đồng phạm:

Trong trường hợp đồng phạm những tội có mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, thì những đồng phạm cũng phải có cùng mục đích phạm tội đó. Nếu không thỏa mãn cùng dấu hiệu phạm tội thì sẽ không có đồng phạm. Trong trường hợp này những người tham gia sẽ chịu trách nhiệm hình sự độc lập với nhau. Được coi là cùng mục đích phạm tội, khi những người tham gia cùng có chung mục đích được phản ánh trong cấu thành tội phạm cụ thể hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Như đã trình bày ở trên, khi nhận định một người là đồng phạm, cần có đủ căn cứ khách quan và căn cứ chủ quan. Về khách quan người đó đã cùng chung hành động với người thực hành tội phạm hoặc tổ chức việc thực hiện tội phạm, hoặc xúi giục, giúp đữ việc thực hiện tội phạm. Về chủ quan họ phải cùng cố ý, cùng ý định phạm tội với người thực hành phạm tội. Chỉ những hành vi cùng cố ý thực hiện tội phạm với hành vi của người thực hành mới được coi là hành vi đồng phạm.

Thứ hai, trường hợp hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm?

Trong trường hợp của anh, nếu người kia bị thương tích từ 11% trở lên. Khi đó, anh và bạn anh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, anh và bạn anh không phải là đồng phạm vì tuy cùng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là đánh người kia – Quan hệ được luật hình sự bảo vệ. Nhưng giữa anh và bạn của anh không “cố ý cùng”, tức là anh và bạn anh không có sự thống nhất, bàn bạc về ý chí là đánh người kia. Bởi anh và bạn anh chỉ cùng thực hiện cùng hành vi, cùng địa điểm, thời gian. Nên mỗi người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự độc lập về hành vi của mình.

Nếu trong trường hợp anh và bạn của anh bàn bạc, thống nhất với nhau là sẽ cùng đi đánh người kia để trả thù chẳng hạn. Trong trường hợp này, nếu người bị thương tích từ 11% thì hai anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm gây ra.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Hai người cùng đánh một người có bị coi là đồng phạm?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề