Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn

Posted on Tư vấn luật hôn nhân 247 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi

Chào văn phòng luật sư Việt Phong! Cho em hỏi em lấy vợ và có một cháu bé 1 năm tuổi nhưng bây giờ em muốn ly hôn và muốn được nuôi con thì có được không ạ! Và em cũng hỏi thêm là trước em có lắp camera quan sát cho bên gia đình vợ em và một lần vô tình em mở ra xem thấy vợ và bố mẹ vợ em có bàn kế hoạch giết em thì đoạn video này khi ra toà có được hợp pháp không ạ hay là em đã vi phạm tội nghe lén vi phạm bí mật gia đình người khác ạ . Em rất mong được văn phòng luật tư vấn cho em ạ. Em chân thành cảm ơn.
Người gửi: Ba Duy ( Nam Định)
Bài viết liên quan:
Kết quả hình ảnh cho quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Luật hôn nhân gia đình 2014
Bộ luật dân sự 2015
Luật tố tụng dân sự 2015

2. Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn 

Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì có cấm 1 số trường hợp ly hôn, cụ thể là: cấm các hành vi ly hôn giả tạo, cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn. 
Như vậy, trong trường hợp này con bạn đã 1 tuổi do đó không thuộc trường hợp cấm ly hôn quy định tại Khoản 3 Điều 51, đồng thời bạn cũng không thuộc các trường hợp cấm ly hôn quy định tại Điều 5 Luật này do đó bạn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn và xác định quyền nuôi con cho vợ chồng bạn.
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn thì Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, trong trường hợp này vì con bạn mới 1 tuổi tức dưới 36 tháng tuổi nên do đó theo quy định trên bạn chỉ được quyền nuôi con khi thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:
– Vợ chồng bạn thỏa thuận được về việc sẽ để bạn nuôi con và việc này là phù hợp với lợi ích của con(được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục)
– Vì con bạn dưới 36 tháng tuổi nên nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được tòa án sẽ ưu tiên để vợ bạn nuôi con, trong trường hợp này để được quyền nuôi con bạn phải chứng minh được vợ bạn không có đủ điều kiện trực tiếp để nuôi dưỡng, chăm sóc con đồng thời chứng minh được bạn có đủ điều kiện để nuôi con và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con.
Trong đó, việc chứng minh đủ hoặc không đủ điều kiện nuôi con được thể hiện trên hai phương diện là điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần, trong đó:
+Điều kiện vật chất bao gồm: Thu nhập, tài sản, chỗ ở đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… của con.
+ Điều kiện tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước tới nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn của bản thân,…
Về việc bạn lắp camera quan sát bên gia đình vợ bạn và tình cờ nghe được đoạn bố mẹ vợ và vợ bạn muốn giết bạn thì chúng tôi xác định như sau:
Việc bạn đặt camera quan sát ở nhà bố mẹ vợ bạn sẽ ghi lại cuộc sống đời tư của gia đình bố mẹ vợ bạn, do đó, tùy thuộc vào việc gia đình bố mẹ vợ bạn có biết và đồng ý về việc này hay không và mục đích của bạn khi đặt camera là gì mà hành vi của bạn có vi phạm hay không.Cụ thể, Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền đối với bí mật, đời sống riêng tư của cá nhân, gia đình như sau:
“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ;
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng  tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.[…]”
Như vậy, sẽ có hai trường hợp:
– Trường hợp khi bạn lắp camera quan sát đã hỏi ý kiến gia đình bố mẹ vợ bạn và được họ đồng ý và về sau họ cũng không có yêu cầu bạn phải gỡ bỏ thì việc bạn xem lại video mà camera ghi lại sẽ không vi phạm pháp luật.
– Trường hợp gia đình bố mẹ vợ bạn không biết về việc bạn lắp camera thì trong trường hợp này bạn được xác định là đang quay lén đối với đời sống của gia đình bố mẹ vợ bạn. Về vấn đề này thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trường hợp nào bị cấm ghi hình bí mật hay trường hợp nào có quyền ghi hình  bí mật, theo đó, việc xác định đặt camera quay lén của bạn có bị coi là vi phạm pháp luật hay không thì cần xem xét tới các vấn đề như nội dung quay lén, đối tượng bị quay lén và mục đích sử dụng đoạn quay lén đó. Do vậy, trong trường hợp này nếu giả sử là bạn quay lén nhưng bạn chỉ sử dụng đoạn ghi lại cuộc nói chuyện giữa gia đình vợ bạn với vợ bạn về việc muốn giết bạn để làm chứng cứ giành quyền nuôi con trước tòa thì hành vi quay lén đó của bạn sẽ không vi phạm, tuy nhiên nếu bạn công khai nội dung hình ảnh đã quay và sử dụng nó để xúc phạm, đe dọa buộc gia đình vợ bạn hay vợ bạn làm theo yêu cầu của bạn thì khi đó việc quay lén của bạn là trái pháp luật bạn sẽ bị xử lý về việc xâm phạm đời tư, bí mật của người khác thậm chí có thể bị xử lý về các tội khác nặng hơn.
Về việc bạn muốn sử dụng quan ghi lại cuộc nói chuyện giữa gia đình vợ bạn với vợ bạn về việc muốn giết bạn để làm bằng chứng trước tòa thì chúng tôi trả lời như sau: Để đoạn video này được xác định là chứng cứ trong tố tụng và xét xử tại Tòa thì nó phải đáp ứng các điều kiện về chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cụ thể Điều 93,94,95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc xác định chứng cứ như sau:
“Điều 93. Chứng cứ
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
“Điều 94. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.”
“Điều 95. Xác định chứng cứ
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”
Như vậy, trong trường hợp này đoạn video của bạn được xác định là tài liệu nhìn được, do đó, để được coi là chứng cứ bạn phải xuất trình kèm theo văn bản xác định xuất xứ của đoạn video này, trong trường hợp này bạn có thể cung cấp văn bản giám định việc đoạn video đó là được lấy trực tiếp từ camera đặt ở nhà bố mẹ vợ bạn và không bị cắt xén hay qua chỉnh sửa.
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về việc xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn và việc xác định đoạn video quay lén có được coi là chứng cứ hợp pháp tại Tòa hay không. Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề