Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần

Tóm tắt câu hỏi:

Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần

Chào Quý Công Ty và Quý Anh/ Chị,

Anh/ chị/ Quý Công Ty có thể cho tôi hỏi một trường hợp như thế này:
– Bên họ ngoại gia đình tôi có 2 đứa cháu. Tuy nhiên không may, cả 2 đều dính vào tệ nạn xã hội là ma túy. Cả 2 đều đã từng đi cai nghiện tự nguyện nhưng chưa lần nào bị cưỡng chế cai nghiện. Tuy nhiên rất nhiều lần chúng về lại tái nghiện.
– Điều này đã diễn ra nhiều năm nay, và gia đình chúng tôi sống rất khổ sở vì điều này. Chúng thường xuyên đập phá đồ đạc, đánh đập và dùng vũ lực với ông bà, thậm chí là mẹ chúng khi không xin được tiền. Nhiều lần bà tôi đã bị thâm tím tay vì chúng. Và cũng phải nói thẳng luôn là gia đình ông bà tôi đã kiệt quệ, anh/ chị biết đấy, chỉ sống bằng đồng lương hưu mà bị 2 đứa cháu bóc lột, hành hạ, tra tấn tinh thần từ ngày này qua ngày khác. Gần đây nhất, ông tôi do không chịu được sự hành hạ tinh thần này, đã mất. Tôi rất buồn, mong chúng ngộ ra nhưng chúng không hề thay đổi gì, vẫn ngày đêm đập phá, thậm chí đám tang ông chúng còn không thèm đi.
– Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi đã chuyển ông bà lên nhà mới ở KĐT Linh Đàm (trước ở Nguyễn Thái Học) để tránh xa tệ nạn chốn cũ nhưng ngựa quen thói cũ, chúng vẫn hút chích, thậm chí là còn mời bạn bè lên nhà để hút. Đến nỗi tất cả mọi người trong chung cư đều biết về ‘bọn nghiện tầng 18’ làm gia đình tôi rất xấu hổ.
Trước trên Nguyễn Thái Học, chúng nhiều lần đập phá, gương tủ vỡ, TV vỡ, bàn ghế ngồi cũng không còn. Tôi nhìn rất xót xa cho gia cảnh nhà ngoại tuy nhiên khi gọi công an phường lên họ chỉ khuyên giải, gọi lần 1, lần 2 họ không (dám) lên nữa, có lẽ vì sợ nên chúng tôi cũng không biết cầu cứu vào ai.
Khi tôi hỏi, thì họ bảo là chúng phải tự nguyện kí đơn xin đi cai thì mới được đưa đi, tôi không biết điều này có phải không.
– Sáng nay, chúng đánh mẹ chúng, thằng nhỏ đấm vào mặt mẹ nó và làm mẹ nó chảy máu mắt. Chúng tôi thực sự rất phẫn nộ rồi.

Kính mong Quý Công Ty cho tôi một giải pháp để kiện (hoặc làm những gì để có thể đưa bọn chúng đi cai nghiện cưỡng chế hoặc vào tù) cho ông bà và bác tôi đỡ khổ. Liệu có cách nào chứng minh chúng đã sử dụng vũ lực và tra tấn tinh thần ông bà/ bác tôi suốt những năm vừa qua không?

Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Công Ty,

Mong nhận được hồi âm sớm từ Quý Công Ty,

Người gửi: Thịnh Nguyễn (Hà Nội)

Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý:

– Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008;

– Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;

– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

2/ Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần

Theo như mong muốn của gia đình bạn là muốn đưa 2 cháu vào cơ sở cai nghiện cưỡng chế hoặc vào tù nhằm răn đe và tránh gây phiền phức cho gia đình, như vậy pháp luật cũng có các quy định về cai nghiện cưỡng chế như sau:

Căn cứ theo Điều 28 luật phòng chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định về việc cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

“1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.

3. Người nghiện ma túy tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”

Nếu như người nghiện ma túy không tự nguyện xin cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Điều 95. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.

Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”

Tuy nhiên, các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nói trên chỉ áp dụng với độ tuổi là từ đủ 18 tuổi trở lên, đối với độ tuổi dưới 18 tuổi cũng có thể vào đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho độ tuổi này, theo quy định tại Điều 29 Luật phòng chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định như sau:

“1. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

2. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

3. Việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền, thời gian, chế độ cai nghiện, thủ tục đưa người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chính phủ quy định.”

Ngoài ra, việc mua bán, sử dụng ma túy và các chất gây nghiện của các cháu bạn, gia đình bạn cũng có thể dùng biện pháp tố cáo ra cơ quan công an phường về hành vi này, và các cháu hoặc người tổ chức cho các cháu sử dụng ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về các tội danh sau:

“Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;

h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;

i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;

m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;

n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;

o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 197. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;

d) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;

d) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

b) Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 198. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý

1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Đối với trẻ em;

d) Đối với nhiều người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 200. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;

e) Đối với nhiều người;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm :

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;

c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”

Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh trên, bạn nên lưu ý về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Như vậy, nếu cháu bạn đang trong độ tuổi dưới 14 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Đối với hành vi bạo lực, hành hung ông bà, cha mẹ, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng có quy định hình phạt tại Điều 151 như sau:

“Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”

Về việc chứng minh các cháu bạn đã đã sử dụng vũ lực và tra tấn tinh thần ông bà/ bác của bạn suốt những năm vừa qua thì bạn phải có các giấy tờ như biên bản hành chính về việc hành hung người trong gia đình lập tại cơ quan xã, phường; hoặc các văn bản ghi nhận về các hành vi nói trên của tổ dân phố, lời khai, làm chứng của hàng xóm, đại diện tổ dân phố; các văn bản giám định tỉ lệ thương tích của bệnh viện về vết thương do các cháu bạn gây ra.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Giải pháp đối với người nghiện ma túy tái nghiện nhiều lần
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề