Giấy khai sinh bị mất, người gốc Việt định cư ở nước ngoài cần làm lại như thế nào?

Posted on Tư vấn luật hành chính 1544 lượt xem

Nội dung câu hỏi:

Xin chào luật sư, tôi tên là Phạm Đức Dũng hiện tại sinh sống tại Mỹ ở tiểu bang Minnesota. Tôi Có một vấn đề không giải quyết được cho nên xin luật sư chỉ cho tôi phải làm như thế nào. ?Tôi sang Mỹ vào diện con lai, đi từ năm  1989 cho đến nay chưa bao giờ trở về lại nước vì hoàn cảnh gia đình người thân không còn lại ai mà lại đi làm mãi hơn nữa cũng đã có lấy vợ và có con cho nên việc đi về thăm quê hương thì cũng khó khăn.   Khi vừa sang Mỹ thì tôi đi làm và đi nhiều nơi và cư ngụ tại nhiều chỗ khác nhau. Tức là phải dọn chuyển sang các chỗ khác nhau cho nên vì vậy tôi đã làm mất hết cả giấy tờ ( giấy chứng minh, giấy khai sinh, hộ khẩu, và giấy khai tử của mẹ tôi nữa). Mẹ của tôi là bà Nguyễn thị Út, quê quán ở Bình Định ra làm ăn ở Đà Nẵng đã từ lâu. Tôi sinh ra ngày 10 tháng 12 năm 1971 và lớn lên ở số nhà 82 đường Hoàng Văn Thụ, TP Đà Nẵng. Nhưng tôi không còn nhớ huyện hay xã thuộc quận tĩnh nào nữa? Mẹ của tôi đã mất từ năm 1986 tôi về quê sống với cậu. Rồi vài năm sau là đi Mỹ. Xin luật sư chỉ cho tôi hay giúp đỡ cho tôi để làm lại giấy khai sinh đã mất từ lâu rồi. Hơn nữa tôi đi Mỹ rất lâu rồi thì những hồ sơ lưu lại hay không? Hiện nay tôi chỉ có giấy tờ ở Mỹ thôi như ID, bằng lái xe, thẻ xanh  và thẻ  an ninh xã hội. Khi luật sư xem email này thì xin chích ra một chút thời gian quý báo trả lời cho tôi biết. Tôi rất biết ơn nhiều.

big dich vu xin trich luc giay khai sinh 1

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hộ tịch 2014
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
  • Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của việt nam ở nước ngoài

Giấy khai sinh bị mất, người gốc Việt định cư ở nước ngoài cần làm lại như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch có quy định như sau:
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm có công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú. Ở trường hợp của bạn, theo thông tin mà bạn cung cấp đến cho chúng tôi, thì bạn là người “gốc Việt Nam” đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Thẩm quyền đăng ký lại giấy khai sinh:

Theo quy định tại Điều 4 thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP quy định về việc nộp hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký hộ tịch như sau:
Việc nộp, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, các Điều 2, 3, 4, 5 của Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch (sau đây gọi là Thông tư số 15/2015/TT-BTP)”.
Như vậy, với quy định trên thì cơ quan đại diện sẽ là người giúp bạn thực hiện việc đăng ký lại giấy khai sinh (tức là Bộ Ngoại giao).

Cách thức nộp hồ sơ:

Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch có thể được nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, trừ các trường hợp pháp luật yêu cầu cá nhân phải có mặt trực tiếp khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp muốn nhận kết quả qua đường bưu điện, người nộp hồ sơ phải chuẩn bị sẵn bì thư ghi địa chỉ, tem hoặc cước phí gửi bảo đảm trở lại.
Khi có yêu cầu giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện, bạn phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau đây:
+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh nhân thân;
+ Giấy tờ chứng minh đang cư trú tại nước sở tại. Cơ quan đại diện kiểm tra, chụp và xác nhận bản chụp đã đối chiếu đúng với bản chính để lưu hồ sơ.
Trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện thì nộp bản sao các giấy tờ nêu trên đã được chứng thực hợp lệ.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP có quy định về thủ tục đăng ký lại khai sinh như sau:
+) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;
+) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
+) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha – con, mẹ – con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
Trách nhiệm của cơ quan đại diện: Ngay sau khi nhận được yêu cầu đăng ký lại, cán bộ lãnh sự kiểm tra Sổ hộ tịch và hồ sơ hộ tịch lưu tại Cơ quan đại diện.
Trường hợp cần phải xác minh thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Cơ quan đại diện có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác minh tới Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác minh, Bộ Ngoại giao gửi kết quả xác minh tới Cơ quan đại diện.
Trường hợp còn Sổ hộ tịch lưu tại Cơ quan đại diện hoặc Bộ Ngoại giao thì Cơ quan đại diện hướng dẫn người yêu cầu làm thủ tục đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh.
Như vậy, từ các quy định của pháp luật như trên đã phân tích, cũng như do bạn không thể về Việt Nam làm lại giấy khai sinh được thì bạn có thể đến tại cơ quan đại diện ngoại giao để thực hiện việc đăng ký lại giấy khai sinh cho mình.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề