Làm chết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Posted on Tư vấn luật hình sự 352 lượt xem

Tóm tắt tình huống:

Chào Luật sư! Luật sư có thể giúp tôi việc này được không ạ? 
Tôi làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương. Hôm 12/7 vừa rồi lúc tôi đi làm về khoảng 22h30 tối bằng xe đạp qua chỗ ngã ba, đoạn đường này rất ít người qua lại thì có một người đàn ông đứng ngáng đường và buộc tôi phải xuống xe. Sau đó, hắn ta đánh và lôi tôi vào bãi đất trống. Tôi sợ hắn ta sẽ giở trò đồi bại hoặc giết tôi để cướp tài sản nên tôi đã với được một hòn gạch ngay gần đó và đánh anh ta nhiều lần vào đầu. Đến khi tôi bình tĩnh lại thì thấy hắn ta chảy nhiều máu và thở rất yếu. Sau đó có người đi qua và đưa đi cấp cứu thì hắn ta chết trên đường vì mất máu quá nhiều. Vậy bây giờ luật sư cho tôi hỏi là tôi có phải đi tù vì tội giết người không? Nếu phải đi tù thì trong vòng bao nhiêu năm? Thực sự gia đình tôi cũng khó khăn và tôi là lao động chính trong gia đình, nhà tôi còn mẹ già và một con nhỏ, tôi không biết rằng nếu đi tù thì họ sẽ sống như thế nào? Mong luật sư giúp đỡ!
Người gửi: Trần Thị Mai
pvcd 1

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật Việt Phong. Với vấn đề của bạn, Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009;
– Quyết định số 02/1986 hướng dẫn về vấn đề phòng vệ chính đáng.

2. Làm chết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Theo những gì bạn mô tả thì hành vi của bạn được xem là phòng vệ chính đáng và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hay bất cứ một tội nào khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. 
Điều 15 Luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Như vậy, bạn vì bảo vệ lợi ích về tài sản cũng như nhân thân của mình mà chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm đến quyền tài sản cũng như nhân thân của bạn. Việc bạn dùng viên gạch và đập vào đầu người đó trong trường hợp bạn đang bị khống chế là cần thiết trước những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra sau đó. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là rất mơ hồ. Chính vì vậy, để giải thích về các trường hợp phòng vệ chính đáng, hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ra Quyết định số 02/1986 hướng dẫn về vấn đề phòng vệ chính đáng như sau:
– Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
– Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;
– Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. 
Để xác định hành vi của bạn là phòng vệ chính đáng, cần xem xét một cách toàn diện các yếu tố về nhân thân, nạn nhân cũng như tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi gây thiệt hại. 
Thứ nhất, đối với nạn nhân. Nạn nhân trong vụ án của bạn rõ ràng là người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích, cụ thể là đến nhân thân và tài sản của bạn. Hành vi chặn đường bạn ở một khu vực vắng người vào lúc 22h30 tối và đánh bạn, sau đó kéo bạn vào bãi đất trống rõ ràng là hành vi có tính chất nguy hiểm. Mặc dù không biết ý định tiếp theo của y là gì nhưng chúng ta cũng có thể đoán được những trường hợp không hay xảy ra như là hiếp dâm, giết người hoặc giết người cướp của. Với hành vi này thì tính chất cũng như mức độ của nó là rất đáng kể, có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và cả nhân phẩm của con người. Hành vi này mặc nhiên là hành vi trái pháp luật. 
Thứ hai, về phía người phòng vệ, tức là phía bạn. Có thể thấy, việc bị một người đàn ông chặn đường, đánh và kéo vào bãi đất hoang là những hành vi nguy hiểm và nếu tiếp diễn sẽ có khả năng rất cao xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của bạn. Đây là hành vi nguy hiểm có thể đe dọa thiệt hại thực sự và tức khắc cho những lợi ích cần được bào vệ của bạn. Cho nên, trước động cơ cũng như hoàn cảnh đó của nạn nhân, việc bạn có những hành vi phản kháng hay phòng vệ cho chính mình là điều dễ hiểu. 
Thứ ba, hành vi chống trả của bạn là hành vi chống trả cần thiết. Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Với vụ án của bạn, khách thể cần bảo vệ là tính mạng, tài sản cũng như nhân phẩm của chính bạn và mức độ thiệt hại do hành vi ấy gây ra có thể là rất lớn, và đặc biệt, hoàn cảnh nơi xảy ra việc phạm tội là một bãi đất hoang vắng người qua lại, vào 22h30 đêm. Như vậy rõ ràng, người phạm tội đã có tính toán, dự định trước đối với hành vi nguy hiểm của mình. Trong hoàn cảnh đó, việc bạn hành động để bảo vệ bản thân là cần thiết. Bởi ai đặt trong hoàn cảnh như vậy cũng sẽ hoang mang và hoảng loạn, muốn làm mọi thứ để bảo vệ chính mình. Việc dùng hòn đá đập vào đầu người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe hay tính mạng của mình một cách vô thức là điều mà có thể ai ở trong hoàn cảnh đó cũng xử sự như vậy. Và bạn chỉ hành động vì phòng vệ cho chính mình, nhằm ngăn cản hành vi phạm tội sắp diễn ra chứ không có ý định giết người. Trong khi đó, luật Hình sự quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn không thể nói rằng đó là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết được bởi hành động đánh và kéo một người phụ nữ vào bãi đất hoang thực chất là nguy hiểm cho xã hội, đã cho thấy ý đồ cũng như mục đích của y có thể là hiếp hoặc giết người. Vậy để ngăn chặn hành vi xâm hại đó đối với mình, bạn đã phòng vệ bằng cách dùng đá đập vào đầu của hắn. Phòng vệ chính đáng là quyền của con người chứ không chỉ là nghĩa vụ, nên không yêu cầu phương pháp, phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp, phương tiện mà người tấn công sử dụng. Trong hoàn cảnh có thể đe dọa đến tính mạng hay sức khỏe của mình, bạn được phép có những hành động phản kháng và phòng vệ để bảo vệ bản thân. Hành động của bạn phù hợp với mức độ nguy hiểm cho bản thân bạn cũng như xã hội đối với hành vi xâm hại.
Theo như những phân tích trên cho thấy, hành vi của bạn là phòng vệ chính đáng và theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Bộ Luật Hình sự thì “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm” vì vậy mà bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Xét thấy, về nhân thân, bạn là người lao động hiền lành, chăm chỉ chưa có tiền án tiền sự trước đó và bạn cũng là lao động chính trong gia đình có cả mẹ già và con nhỏ. Khi bị đẩy vào hoàn cảnh đó, buộc mình phải phản kháng và phòng vệ để bảo vệ bản thân cũng như gia đình mình. Việc người đó chết là điều bạn không hề mong muốn. Hành vi của bạn không có tính nguy hiểm cho xã hội và không nên bị cách ly khỏi xã hội. Vì vậy mà pháp luật cũng khoan hồng cho những hoàn cảnh hay trường hợp giống như bạn.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về việc Làm chết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?  Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý!
Chuyên viên: Trần Thị Hải

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Làm chết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề