Ly hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hôn

Tóm tắt câu hỏi

Ly hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hôn

Tôi hiện là giáo viên cấp 2(hợp đồng) lương tháng là 2.900.000(theo định biên 2,1), ngoài ra tôi còn dạy thêm và đi gia sư được 4.000.000 nữa. Chồng tôi là công chức cấp xã lương 3.500.000. Nhà chung của chúng tôi xây trên đất bà nội cho nhưng bây giờ đứng tên vợ chồng tôi. Vì lý do chồng tôi có dấu hiệu ngoại tình (tôi có tin nhắn của cô gái kia) nên tôi muốn ly hôn. Tôi và chồng tôi có 2 đứa con: đứa 9 tuổi và 9 tháng tuổi. Anh ta thường xuyên đánh, chửi tôi (có thâm tím tôi chụp lại đc), anh ta còn đánh con dã man, con tôi có thể làm nhân chứng (cháu 9 tuổi).

Vậy tôi muốn ly hôn đơn phương với anh ta có được không vì tôi dám chắc anh ta sẽ không chịu? Sau khi ly hôn tôi có đươc quyền nuôi cả 2 đứa con không? và mảnh đất kia có phải tài sản chung để tôi được quyền chia không?

Người gửi: Dương Thu Tuyết (Hà Đông)

Ly hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hônLy hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hôn

Luật sư tư vấn

Xin chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của chị, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn chị như sau:

1) Đơn phương ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực

Về việc muốn ly hôn của chị, tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Trong trường hợp của chị, chị có quyền làm đơn ly hôn đơn phương với chồng chị. Bởi chồng chị có hành vi ngoại tình, trong thời gian chung sống lại không vun đắp gia đình, không thương yêu vợ con, thường xuyên đánh đập vợ con, chị có thể đưa ra chứng cứ là hình ảnh thâm tím khi chị bị chồng đánh, đó là những căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết ly hôn cho chị. 

2) Quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo quy định tại khoản 3 của Điều này thì sau khi ly hôn, bé 9 tháng tuổi sẽ được mặc định giao cho chị trực tiếp nuôi. Còn với bé 9 tuổi thì nếu hai bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định quyền nuôi con cho người nào có đủ điều kiện và đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích về mọi mặt cho đứa trẻ.

Trong trường hợp của chị, chị muốn giành quyền nuôi bé 9 tuổi thì chị nên trình bày và đưa ra tòa những căn cứ về:

– Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

– Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.

Cùng với những căn cứ trên, chị nên đưa ra những căn cứ về việc người cha thường xuyên đánh đập chị trước mặt con cái, đặc biệt chồng chị còn đánh con dã man, không quan tâm chăm sóc con và chị là người có khả năng chăm lo tốt hơn cho con cái. Nếu chị thực sự yêu thương và có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc chị giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.

Điều này còn được chứng minh thêm trong quy định pháp luật sau: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.”

Như vậy rõ ràng rằng chồng chị đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của 1 người cha đối với con cái.

3) Xác định tài sản chung vợ chồng.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Theo như chị trình bày thì mẹ chồng chị cho vợ chồng chị một mảnh đất, mảnh đất này vợ chồng chị đã đứng tên trên sổ đỏ. Ngoài ra vợ chồng chị cũng xây dựng nhà trên thửa đất đó. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 33 thửa đất và ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng chị. Sau khi ly hôn vợ chồng chị có thể thỏa thuận chia số tài sản trên, nếu không thỏa thuận được vợ chồng chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được chia đôi nhưng có tính tới các yếu tố:

“- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

(Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn)

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về vấn đề Ly hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hôn. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Ly hôn đơn phương và quyền nhận nuôi con sau khi ly hôn
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề