Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn

Tóm tắt tình huống:

Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn

Kính gửi: Luật sư! Hỏi: Thưa luật sư! Cho tôi hỏi những câu hỏi sau:

Năm 2014, khi em gái tôi sinh đứa thứ 03 (Con trai đầu sinh 2003, con gái thứ 02 sinh 2006 và con gái thứ 03 hiện được 30 tháng tuổi) thì chồng em gái tôi ngoại tình bên ngoài. Em gái tôi phát hiện và bắt gặp được quả tang và có bằng chứng chụp điện thoại tại nhà người tình em gái tôi. Nhưng khi về nhà, chồng em gái tôi hứa hẹn sẽ không qua lại với người tình nữa rồi hủy bằng chứng chụp bằng điện thoại. Đầu năm 2016 thì chồng em gái tôi vẫn qua lại với người tình (có bắt gặp chồng em gái tôi ở nhà người tình khi đang mặc quần đùi, em gái tôi có chụp hình lại) và chồng em gái tôi làm đơn ly hôn (khởi kiện đơn ly hôn đơn phương), chồng em gái tôi tự thuê thẩm định tài sản chung bao gồm (mảnh đất gắn liền nhà: 220 triệu đồng, tài sản gắn trên đất, vật dụng: 306 triệu đồng).

Hiện đơn đề nghị ly hôn (do chồng em gái tôi đơn phương gởi tòa án). Tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vì chồng em gái tôi yêu cầu em gái tôi đi khỏi nhà hiện đang sống cùng các con, vì cho rằng đây là nhà của mẹ chồng (mẹ chồng mất đã lâu), em gái tôi là con dâu nên không được ở đây và đặt vấn đề chia đôi số tài sản thẩm định cho em gái tôi 150 triệu (chưa bao gồm đất), đồng thời chu cấp cho 03 con mỗi tháng 2,4 triệu đồng.

Trước sự việc trên, tôi có một số nội dung kính mong Luật sư tư vấn để đảm bảo quyền lợi cho em gái và các cháu tôi khi ly hôn:

Về đất và nhà ở: Trước năm 2002 mẹ chồng em gái tôi có mảnh đất (chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất rộng 12m, dài 30m), trên đất có ngôi nhà cũ (năm 2007 đập phá đi để xây nhà mới hoàn toàn, trong đó bán một phần miếng đất bên cạnh để xây nhà). Em gái tôi kết hôn năm 2002 sống cùng với gia đình nhà chồng gồm có (mẹ chồng, chồng (là con duy nhất), cha chồng em gái tôi chết sớm, 02 cháu là con của vợ/chồng em gái tôi). Năm 2008 mẹ chồng em gái tôi bệnh tật, đau ốm suốt em gái tôi luôn bên cạnh bà chăm sóc bà. Khi mẹ chồng em gái tôi chết không có để lại di chúc và giấy tờ cho tặng vợ/chồng em gái tôi. Từ đó vợ/chồng em gái tôi làm ăn sinh sống và tôn tạo, xây dựng thêm nhà cửa mới trên mảnh đất mẹ chồng em gái tôi (không có đăng ký sở hữu quyền sử dụng đất) và sắm thêm vật dụng trong nhà.

1) Như vậy trong trường hợp ly hôn, để đảm bảo quyền lợi của em gái tôi và các cháu, em gái tôi và 03 cháu (02 cháu, cháu lớn 13 tuổi, cháu giữa 10 tuổi đã được tòa án gọi ra hỏi và 02 cháu đều ở với mẹ) có được quyền ở lại ngôi nhà này hay không? Em gái tôi sống liên tục 15 năm tại ngôi nhà này, đã có công sức và đóng góp tiền kinh doanh buốn bán để xây dựng, cải tạo ngôi nhà này; vừa làm tốt vai trò người con dâu trong gia đình khi chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ chồng, vừa làm tròn chức trách của người vợ lo cho chồng, cho con. Hàng ngày bươn chải kinh doanh buôn bán để đảm bảo kinh tế lo cho gia đình (em tôi buôn, bán hàng tại nhà).

2) Chồng của em gái tôi đi làm xa 20 km, sáng đi chiều về nhưng thời gian rất thất thường. Chỉ có thứ 7 và chủ nhật mới ở nhà nhưng rất thất thường, ngày mùa thì làm cả ngày thứ 7. Hai năm gần đây thì cuối tuần rất ít thường xuyên về có khi tới thứ 2 mới về). Nếu được xử ở lại ngôi nhà làm ăn nuôi các con của em gái tôi thì chồng em gái tôi ra đi và được chia như thế nào? Cho tôi hỏi như trình bày ở trên em gái tôi có được chia tài sản phần hơn chồng em gái tôi không? Vì chồng em gái tôi “lỗi” ngoại tình.

3) Chồng em gái của tôi quyết đuổi em gái tôi và các con ra ngoài và đưa 150 triệu (tài sản chung là 306 triệu chia đôi 2 vợ chồng không bao gồm đất). Tòa án cũng theo hướng của chồng em gái tôi là như vậy và có phụ cấp cho 03 con của em gái tôi mỗi tháng 2 triệu 4 (lương cơ bản của chồng em gái tôi là 6 triệu 2 là Trưởng bộ phận cơ khí nhà máy đường của 1 tập đoàn lớn và nơi làm cách nhà khoảng 20 km). Chồng em gái của tôi đưa thêm 10 triệu đồng để bù vào công sức đóng góp 15 năm qua. Trong thời hạn 3 tháng sẽ ra khỏi nhà. Tòa án cho chồng em gái tôi ở lại ngôi nhà một mình như vậy có đúng luật không? Phụ cấp nuôi con có hợp lý?

4) Mảnh đất của mẹ chồng em gái tôi phân xử như thế nào? Em gái tôi và các con em gái tôi có được quyền chia không? Mảnh đất đó giờ là thuộc của ai?

Người gửi: Vũ Thành Công

Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cám ơn anh đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của anh, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn anh như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2005;

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Luật đất đai năm 2013;

– Luật nhà ở năm 2014;

– Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13.

2/ Trong trường hợp ly hôn, người vợ có được quyền sở hữu ngôi nhà hay không?

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 4 Luật Nhà ở năm 2014:

Điều 4. Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở

Hộ gia đình, cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của Luật này”.

Ngôi nhà hiện tại do hai vợ chồng của em gái anh đầu tư xây dựng vì vậy ngôi nhà thuộc quyền sở hữu chung của hai vợ chồng (căn cứ Điều 4 và điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014).

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định.

Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Mặt khác vì trước khi mẹ chồng em gái anh mất không để lại di chúc và giấy tờ cho tặng vợ/chồng em gái anh, căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và Luật đất đai 2013, chồng của em gái anh có quyền sử dụng mảnh đất thông qua thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ vào các phân tích trên, đối với trường hợp này rất khó để có thể được Tòa án giao quyền sở hữu ngôi nhà cho em gái anh.

3/ Nếu người vợ được ở lại ngôi nhà làm ăn nuôi các con thì tài sản người chồng được nhận như thế nào? Và người vợ có được nhận phần tài sản nhiều hơn chồng?

Tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định:

“Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

c) “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên”.

Như vậy:

– Nếu Tòa án quyết định ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của người vợ thì việc phân chia tài sản vẫn phải xem xét các yếu tố trên để Tòa án phân chia tài sản cho hợp lý.

– Người vợ có được phân chia phần tài sản nhiều hơn người chồng hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố được quy định khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 như hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tùy vào mức độ của các yếu tố trên như thế nào, Tòa án sẽ quyết định phân chia tài sản cho mỗi người.

4/ Tòa án cho người chồng ở lại ngôi nhà một mình như vậy có đúng luật không?

Như đã trình bày ở trên, việc phân chia tài sản như thế nào, quyết định giao ngôi nhà cho bên nào, Tòa án phải xem xét đến các yếu tố:

“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án quyết định giao ngôi nhà cho người chồng là hợp lý và phù hợp quy định pháp luật. Vì trong trường hợp này mảnh đất mà vợ chồng em gái bạn sống thuộc quyền sử dụng của người chồng, còn ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của hai vợ chồng.

5/ Phụ cấp nuôi con có hợp lý hay không?

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về mức cấp dưỡng:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể con số về mức cấp dưỡng mà mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Tiền cấp dưỡng nuôi con sẽ bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

6/ Mảnh đất của mẹ chồng được phân xử như thế nào? Người vợ và các con có được chia phần không? Mảnh đất đó giờ là thuộc quyền sử dụng của ai?

Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Mảnh đất này trước kia thuộc quyền sử dụng của mẹ chồng, sau khi mẹ chồng mất mảnh đất này được chia thừa kế, do mẹ chồng trước khi chết không để lại di chúc nên mảnh đất được phân chia quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về thừa kế và pháp luật đất đai, theo quy định của khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 188 và khoản 1 Điều 168 Luật đất đai năm 2013, người chồng là người có quyền sử dụng mảnh đất.

Người vợ không thuộc diện thừa theo khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 nên không có quyền sử dụng mảnh đất. Do mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của người chồng nên nó là tài sản riêng của người chồng, do đó khi ly hôn quyền sử dụng mảnh đất sẽ không được phân chia.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về vấn đề Những quy định của pháp luật trong việc phân chia tài sản khi ly hôn. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

LUẬT VIỆT PHONG – PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề