Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn

Tóm tắt câu hỏi:

Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn

Em lấy chồng năm 2013 và năm 2014 thì sinh 1 cháu trai. Từ ngày sinh cho đến nay em hoàn toàn ở nhà ngoại, ông bà ngoại đùm bọc cưu mang. Chồng em không chăm sóc con từ ngày cháu sinh ra, mỗi tháng chỉ đóng góp hơn 1 triệu tiền ăn cho cháu (Như vậy chưa đủ đối với phí sinh hoạt của 1 đứa trẻ).

Một tháng con em cần khoảng 3triệu đến 3triệu rưỡi, nhất là cháu sắp xin đi học mẫu giáo. Bây giờ em muốn ly hôn, nhưng muốn chồng em phải đóng góp 2 triệu hoặc 2 triệu rưỡi cho con em , số còn lại em sẽ lo, vì chồng em không hề có công chăm sóc cho cháu, dù chỉ 1 ngày.

Vậy khi ra toà, chồng em không đồng ý với số đóng góp trên, toà sẽ xử thế nào? Có thể ép anh ta phải có trách nhiệm như vậy với con em không?

Nếu anh ta đã chấp thuận như vậy rồi nhưng ngoài đời anh ta trốn tránh thì liệu có thể đem ra toà án xử lý không???

Mong luật sư sớm giúp em .

Người gửi : Lê Thị Diệu (Ninh Bình)

Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Nghị định số 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

2/ Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn

Căn cứ theo Điều 82 của luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Ngoài ra, điều 83 của luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Như vậy, nếu tình cảm gia đình bạn đã rạn nứt và không thể hàn gắn được nữa, bạn có thể gửi đơn yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết vụ việc ly hôn của bạn theo trình tự pháp luật. Hiện tại con của bạn đang dưới 36 tháng tuổi nên tòa sẽ xử theo nguyên tắc giao trực tiếp cho mẹ nuôi. Đối với người cha không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Về mức cấp dưỡng được quy định là do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, bạn có thể thỏa thuận với chồng về mức cấp dưỡng cho con, nếu như không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Sau khi đã có biên bản thỏa thuận về mức cấp dưỡng hoặc quyết định của tòa án về việc cấp dưỡng thì bạn có thể yêu cầu bên phía người cha cấp dưỡng theo quy định. Nếu như người cha không thực thi thì bạn có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi tới chi cục thi hành án dân sự giải quyết cho bạn. Ngoài ra, hành vi không chấp hành bản án, quyết định của tòa án có thể bị xử lý hành chính theo khoản 3 Điều 52 của nghị định số 110/2013/NĐ-CP về Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:

“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;

b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;

c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;

d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.”

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Trách nhiệm cấp dưỡng của người cha với con cái sau ly hôn
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề